Thanh niên Chamaléa Thị Nhĩ làm giàu với mô hình kinh tế tổng hợp

Vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng, thanh niên Chamaléa Thị Nhĩ, thôn Suối Khô, xã Phước Chính (Bác Ái) đã trở thành tấm gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của huyện miền núi với mô hình kinh tế tổng hợp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ), cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau khi xây dựng gia đình vào năm 2011, nhận thấy Nhĩ là hộ nghèo nhưng có ý chí cầu tiến trong phát triển kinh tế, do đó Huyện đoàn Bác Ái đã hỗ trợ Nhĩ về kiến thức chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn tại địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho Nhĩ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ nguồn vốn ban đầu, Nhĩ đầu tư mở trang trại với quy mô nhỏ để chăn nuôi dê, heo đen với tổng đàn hơn 15 con. Nhờ sự chăm chỉ cùng vốn kiến thức trong chăn nuôi, sau khoảng 3 năm, số lượng đàn gia súc tăng lên, Nhĩ tiếp tục sử dụng nguồn thu nhập từ chăn nuôi để mở tiệm tạp hóa cũng như đầu tư mua 2 máy kéo vận chuyển nông sản phục vụ nhu cầu thuê máy của nông dân địa phương. Qua 9 năm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, Nhĩ đã có trong tay một trang trại lớn rộng hơn 1 ha, 8 sào đất trồng cây hoa màu, đàn dê gần 150 con, heo đen hơn 90 con, 1 cửa hàng tạp hóa lớn và 2 máy kéo nông sản, cho nguồn thu nhập ổn định mỗi năm 200 triệu đồng.

Thanh niên Chamaléa Thị Nhĩ chăm sóc đàn heo đen hơn 90 con.

Được “tận mục sở thị” khi thăm trang trại của Nhĩ, chúng tôi hết sức bất ngờ trước quy mô và sự hiện đại của trang trại bởi bàn tay và khối óc của một nữ thanh niên người Raglai lập ra. Trang trại rộng hơn 1 ha được Nhĩ thiết kế bài bản theo từng khu vực để chăn thả dê, heo đen và trồng cỏ, nhằm khai thác triệt để diện tích đất sản xuất. Đặc biệt, tất cả nguồn điện phục vụ cho hoạt động chăn nuôi, trồng trọt đều được cung cấp thông qua hệ thống điện năng lượng mặt trời do Nhĩ đầu tư hơn 100 triệu đồng. Chia sẻ về quá trình lập nghiệp tại địa phương, Nhĩ cho biết: Vì sinh ra trong gia đình thuần nông, tôi được học hỏi rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất của gia đình, người thân nên khi lập nghiệp tôi quyết định tập trung vào sản xuất cây trồng và chăn nuôi để dễ dàng nắm bắt thị trường. Tuy nhiên để mô hình kinh tế của gia đình đạt được hiệu quả kinh tế cao như hiện nay chính là nhờ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm làm ra. Bên cạnh đó, việc đa dạng vật nuôi, lĩnh vực sản xuất cũng giúp gia đình có thêm nhiều nguồn thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng sống của gia đình.

Đồng chí Chamaléa Thị Búng, Phó Bí thư Huyện đoàn Bác Ái cho biết: Với mô hình kinh tế hiệu quả cùng sự nhạy bén trong tư duy lao động, sản xuất, trong hai năm liền 2018, 2019, Nhĩ nhận được giấy khen của UBND huyện Bác Ái về hộ thanh niên làm kinh tế giỏi. Bên cạnh là điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi, Nhĩ còn tích cực, tâm huyết trong các phong trào Đoàn, hội và các phong trào do địa phương phát động. Do đó, Nhĩ xứng đáng là tấm gương tiêu mà nhiều đoàn viên, thanh niên địa phương học tập.