Bẫy đá Pinăng Tắc

Bẫy đá Pinăng Tắc đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc như một huyền thoại. Về thăm bẫy đá ,chúng ta được đắm mình giữa núi rừng trong suốt nắng mai. Được nghe tiếng hót của muôn loài chim đẹp tạo thành bản hoà âm trữ tình kỳ thú của thiên nhiên.

Bẫy đá Pinăng Tắc nằm trên địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái, cách trung tâm thành phố Phan Rang- Tháp Chàm khoảng 70 Km về hướng Tây-Bắc. Bẫy đá gắn liền với tên tuổi của người sáng tạo là Anh hùng lực lượng vũ trang Pinăng Tắc. Ông sinh năm 1910 tại xã Phước Thành ,huyện Bác Ái, tham gia cách mạng năm 1946.Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, ông tổ chức lãnh đạo nhân dân xã Phước Thành phá bỏ ấp chiến lược Bà Râu trở về sống với núi rừng ủng hộ lực lượng cách mạng kháng chiến .Ông vận động nông dân liên kết thành những tổ vần đổi công giúp nhau tăng gia sản xuất nhiều lương thực ,thực phẩm nâng cao đời sống gia đình và ủng hộ bộ đội Ama Hồ (Cha Hồ) ăn no đánh thắng giặc Mỹ . Gia đình ông ủng hộ cho cách mạng 130 giạ bắp và đóng góp 90.000 cây chông .Ông chiến đấu dũng cảm,bảo vệ cán bộ an toàn,thương yêu giúp đỡ nhân dân được đồng bào Bác Ái tin yêu.

Bẫy đá Pi năng Tắc

Tôi đã đôi lần về thăm bẫy đá Pinăng Tắc . Bẫy đá được dựng trên một địa thế vô cùng hiểm trở -một bên là núi cao chót vót xanh thẳm rừng đại ngàn;một bên là vực sâu hun hút . Muốn lên Phước Bình phải đi qua con đường độc đạo cheo leo.Lợi dụng địa thế tự nhiên,Pinăng Tắc cho dân công chặt cây rồi lấy dây rừng bện thành những tấm sàn gỗ rộng lớn chất đầy đá núi .Khi chặt dứt dây treo bẫy thì đá núi đổ lăn xuống vực tạo thành thế trận thiên la địa võng .Trong trận càn quét vào chiến khu Bác Ái ngày 10.8.1961,Bẫy đá Pinăng Tắc đã tiêu diệt trên 100 tên lính nguỵ hành quân qua độc đạo lên Phước Bình. Những tảng đá núi tiêu diệt giặc năm xưa vẫn còn nằm ngổn ngang dọc lối đi .Một đội quân được trang bị vũ khí hiện đạiï chế tạo từ Mỹ quốc đã thất bại thảm hại bởi bẫy đá hầm chông thô sơ của dân tộc Việt Nam anh hùng . Người sáng tạo ra bẫy đá được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1965.

Bẫy đá Pinăng Tắc đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc như một huyền thoại. Về thăm bẫy đá, chúng ta được đắm mình giữa núi rừng trong suốt nắng mai. Được nghe tiếng hót của muôn loài chim đẹp tạo thành bản hoà âm trữ tình kỳ thú của thiên nhiên.Tiềm năng văn hoá,lịch sử,con người chiến khu Bác Ái đang đón gọi ta về .