Nhật Bản sẽ loại bỏ 4 lò phản ứng của nhà máy điện Fukushima 1

 Ngày 30-3, Công ty Điện lực Tôkiô (TEPCO) cho biết: Sẽ loại bỏ 4 lò phản ứng tại nhà máy Fukushima số 1. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch TEPCO Tsunehisa Katsumata, nói: “Xem xét tình hình một cách khách quan, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ các lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4”.

Toàn cảnh Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1

Thảm họa động đất và sóng thần vừa qua đã làm hỏng hệ thống làm mát của 5 trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân nằm ở phía Đông Bắc của Nhật Bản này. Các chất phóng xạ đã rò rỉ từ các lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4. Ông Katsumata, cho biết sự cố ở các hệ thống làm mát của 4 lò phản ứng trên vẫn chưa thể khắc phục được.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano cho rằng cần phải loại bỏ tất cả 6 lò phản ứng của nhà Phưcưsima số 1. Chính phủ Nhật Bản và các chuyên gia đang cân nhắc phương án phủ lên các tòa nhà có lò phản ứng bên trong bằng một nguyên liệu đặc biệt để ngăn không cho chất phóng xạ phát tán rộng. Các chuyên gia cũng đang xem xét việc sử dụng một tàu chở dầu để thu hồi nước bị nhiễm phóng xạ từ nhà máy này.

Cùng ngày, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã chỉ thị cho các công ty điện lực phải thực hiện các biện pháp an toàn khẩn cấp tại tất cả các nhà máy điện hạt nhân để đối phó với sự cố có thể xảy ra trong trường hợp có sóng thần.

Những biện pháp này gồm bố trí máy phát điện di động để đề phòng khả năng mất điện; triển khai xe cứu hỏa nhằm cấp nước cho các lò phản ứng và bể chứa các thanh nhiên liệu khi hệ thống làm mát của các lò phản ứng gặp sự cố. Đây là một phần trong các nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima 1.

Cùng ngày, Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân (NISA) của Nhật Bản đã phát hiện hàm lượng phóng xạ i-ôt  (iodine)-131 cao gấp 3.355 lần mức cho phép trong nước biển gần khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, nơi bị ảnh hưởng nặng nề trong trận siêu động đất gây sóng thần hôm 11-3 vừa qua.

Việc nước biển ở gần nhà máy Fukushima 1 nhiễm phóng xạ làm dấy lên lo ngại khả năng phóng xạ tiếp tục rò rỉ ra Thái Bình Dương. Trước đó, ngày 27-3, mức phóng xạ i-ôt-131 cao gấp 1.850 lần cho phép đã được phát hiện tại vùng nước cách bờ biển khoảng 330 mét về phía Nam. Tuy nhiên, các quan chức đã loại bỏ nguy cơ đe doạ trực tiếp đến sinh vật biển hay an toàn hải sản.

Phát ngôn viên của NISA, ông Hidehiko Nishiyama, cho biế:t hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác của hiện tượng hàm lượng i-ôt cao tại khu vực biển này, tuy nhiên ông cũng khẳng định nước nhiễm xạ không ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khỏe của con người, do chính phủ đã ra lệnh cấm đánh bắt thủy hải sản trong bán kính 20km tính từ nhà máy và các chất phóng xạ phát thải sẽ "giảm đáng kể" ở thời điểm mà các loài động thực vật ở biển cũng như con người hấp thụ.

TEPCO đang tiếp tục nỗ lực sử dụng nước để làm mát các bể chứa thanh nhiên liệu của tại nhà máy  và dự kiến trong ngày 31-3, TEPCO sẽ tiến hành phun nước cùng hợp chất bao phủ đặc biệt lên các lò phản ứng nhằm ngăn chặn bụi hạt nhân phát tán thông qua gió và mưa.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 30-3 đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan. Hai bên nhất trí thành lập 4 nhóm công tác trực thuộc Hội đồng liên lạc và điều phối chung để xử lý các sự cố tại nhà máy Fukushima 1. Nhật báo "Yomiuri" dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết động thái này nhằm tăng cường sức mạnh của quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ trong việc điều phối các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay.

Bốn nhóm công tác gồm: Nhóm ngăn chặn nguyên liệu phóng xạ phát tán ra ngoài; Nhóm xử lý các thanh nhiên liệu hạt nhân để ổn định tình hình tại nhà máy trong trung hạn; Nhóm làm ngừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân trong dài hạn; và Nhóm trợ giúp y tế và hỗ trợ cuộc sống cho người dân sống gần nhà máy.

Các quan chức cấp cao của chính phủ và quân đội cũng như các chuyên gia hạt nhân của Nhật Bản và Mỹ sẽ tham gia các nhóm công tác và hội đồng trên cùng với quan chức của TEPCO cũng như của các công ty điều hành các nhà máy điện hạt nhân khác. Ông Goshi Hosono, trợ lý của Thủ tướng  có trách nhiệm giám sát và điều hành công việc của bốn nhóm công tác trên.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết: tính đến 10h sáng 30-3 (8h giờ HN), tổng số người thiệt mạng sau trận động đất và sóng thần hôm 11-3 đã lên tới 11.232 người, trong khi 16.361 người vẫn mất tích.

Theo TTXVN