Chuyên gia WHO nêu 'thời điểm bước ngoặt' đối với người mắc bệnh COVID-19

Khi mới đầu bị nhiễm virus SARS-CoV-2, người bệnh không có một triệu chứng nào khác ngoại trừ một số biểu hiện phổ biến như ho, sốt. Tuy nhiên, nguy hiểm chỉ thực sự bắt đầu khi loại virus này xâm nhập vào phổi.

Dẫn báo cáo của nhóm công tác Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) làm việc tại Trung Quốc, báo Bloomberg đưa tin cứ 7 bệnh nhân bị nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra thì có 1 người gặp triệu chứng khó thở và 6% số ca mắc chuyển biến nặng hơn. Những bệnh nhân này thường bị suy hô hấp và suy giảm chức năng các bộ phận quan trọng khác trong cơ thể, đôi khi còn bị sốc do nhiễm trùng.

Hình ảnh phổi bị tổn thương (mảng trắng trong lá phổi bên phải) trong ngày thứ 5 nằm viện của một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: CNN

Quá trình từ bệnh thể nhẹ đến mức độ nặng hơn có thể xảy “rất, rất nhanh”, ông Bruce Aylward – Trợ lý Tổng Giám đốc WHO và là quan chức phụ trách nhóm công tác của WHO tại Trung Quốc – đưa ra đánh giá trên sau khi nghiên cứu 56.000 ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia châu Á này.

Theo quan chức WHO, việc hiểu rõ tiến trình của căn bệnh và xác định các cá nhân có nguy cơ tử vong cao là rất quan trọng để tối ưu hóa việc kiểm soát một dịch bệnh truyền nhiễm toàn cầu khiến trên 4.300 người tử vong kể từ khi xuất hiện trong tháng 12/2019.

Khoảng 10-15% người bị nhiễm phát triển bệnh từ thể nhẹ sang nặng và 15-20% trong số đó trở nên nguy kịch. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao gồm những người từ 60 tuổi trở lên và những người mắc các bệnh lý nền từ trước như cao huyết áp, tiểu đường và tim mạch...

“Bức tranh lâm sàng cho thấy một thể bệnh không giống với những gì ta từng chứng kiến ở bệnh cúm trước đây”, ông Jeffery K. Taubenberger – chuyên gia nghiên cứu về vấn đề lây nhiễm khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát, cho hay. Virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua đường tiếp xúc với các giọt chứa virus bắn ra khỏi người bị nhiễm khi bệnh nhân ho, hắt hơi.

“Virus thông thường xâm nhập từ mũi. Một khi đã vào trong cơ thể, SARS-CoV-2 xâm chiếm các tế bào biểu mô bảo vệ đường hô hấp. Nếu bị khống chế tại đường hô hấp trên, chỉ dừng lại ở mũi, thì bệnh nhân sẽ không bị nặng”, Taubenberger - chuyên gia hàng đầu của Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia ở Bethesda, Maryland (Mỹ) – lý giải.

Tuy nhiên, nếu virus đi xuống khí quản đến các nhánh ngoài của hệ thống hô hấp và mô phổi, bệnh sẽ chuyển biến sang giai đoạn nặng hơn. Nguyên nhân là do tổn thương phổi vì virus gây ra kết hợp với những tổn thương thứ phát do cơ chế phản ứng miễn dịch của cơ thể khi bị lây nhiễm.

“Cơ thể của bạn ngay lập tức tìm cách bù đắp những tổn thương trong phổi khi bệnh vừa xuất hiện. Các tế bào bạch cầu sẽ tiêu diệt mầm bệnh và giúp chữa lành các mô bị tổn thương. Thông thường, nếu quá trình này diễn ra tốt đẹp, bạn có thể loại bỏ tình trạng nhiễm trùng chỉ sau vài ngày”, ông Taubenberger cho hay.

Trong một số trường hợp nhiễm COVID-19 nặng hơn, nỗ lực tự chữa lành cơ thể bệnh nhân có thể phản tác dụng khi cơ chế hoạt động mạnh, dẫn đến sự phá hủy không chỉ các tế bào bị nhiễm mà còn cả các mô khỏe mạnh. Tổn thương biểu mô ở khí quản và phế quản có thể dẫn đến việc mất các tế bào sản xuất chất nhầy bảo vệ cũng như những sợi lông nhỏ, hoặc lông mao, quét bụi bẩn và dịch tiết ra khỏi phổi.

“Bạn mất khả năng kiểm soát đường hô hấp phía dưới. Kết quả là phổi dễ bị nhiễm vi khuẩn thứ cấp xâm nhập. Thủ phạm tiềm ẩn bao gồm vi trùng thường trú ngụ trong mũi và cổ họng, cũng như vi khuẩn kháng kháng sinh hay phát triển trong các môi trường ẩm như máy thở".

Lây nhiễm vi khuẩn thứ cấp có thể trở thành mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể phá hủy các tế bào gốc trong hệ thống hô hấp làm nhiệm vụ trẻ hóa mô. “Nếu không có các tế bào gốc đó, cơ thể người bệnh không thể tự chữa lành phổi. Một khi phổi bị tổn thương, các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể có thể thiếu oxy, dẫn đến suy yếu thận, gan, não và tim.

Ông David Morens, cố vấn khoa học cấp cao của Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho biết “khi bị nhiễm trùng nặng, mọi thứ bắt đầu vượt tầm kiểm soát. Nếu vượt qua thời điểm bùng phát đó, thì người bệnh sẽ hồi phục”.

Điểm bùng phát có thể xảy đến sớm hơn đối với người cao tuổi, song người trẻ không được chủ quan. Bác sĩ Lý Văn Lượng 34 tuổi, một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch COVID-19 tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), tử vong hồi tháng trước sau khi được tích cực chữa trị, tiếp nhận kháng thể, thuốc kháng virus, kháng sinh, oxy và bơm máu qua phổi nhân tạo.

Theo TTXVN/Báo Tin tức