Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh: Đột phá phát triển công nghiệp

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND ngày 17-7-2017 của HĐND tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, ngành Công nghiệp có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt tăng mạnh vào năm cuối giai đoạn 2016-2020.

Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp năm 2019 ước đạt 1.340 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,7% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 37,7% so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước tăng 10,3%.

Khai thác lợi thế phát triển năng lượng tái tạo

Nhằm đưa chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở thành hiện thực, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã đã cấp quyết định đầu tư cho 13 dự án điện gió, với tổng công suất khoảng 630,63 MW, tổng vốn đầu tư 25.856 tỷ đồng; 31 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.816,7 MW, tổng vốn đầu tư 46.312 tỷ đồng và 6 dự án thủy điện, tổng công suất 149,8 MW, tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng. Đến nay, đã có 18 dự án điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 1.180 MW (3 dự án điện gió công suất 117MW, 15 dự án điện mặt trời công suất 1.063 MW). Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 31-8-2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, tỉnh đã gấp rút nghiên cứu phát triển Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná với quy mô phù hợp. Đến nay, đã hoàn thiện hồ sơ bổ sung Quy hoạch Trung tâm điện lực Cà Ná, được Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh, với quy mô công suất 6.000MW, quy mô tổng kho LNG công suất từ 5-8 triệu tấn/năm và cảng nhập LNG tiếp nhận tàu có công suất trên 267.000 m3…

Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ (Thuận Nam). Ảnh: Hữu Phương

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã bố trí ngân sách 22,1 tỷ đồng thực hiện 3 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, dự án Nâng cấp Trạm xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thành Hải đã hoàn thành, tiếp tục thực hiện dự án san nền và đường giao thông nội bộ; triển khai dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Quảng Sơn; xúc tiến dự án Đầu tư thứ cấp thu hút và lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề

Xác định phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khôi phục các ngành, nghề truyền thống nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 của UBND tỉnh, từ năm 2018 đến nay, ngành chức năng, các địa phương quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng, đan lát, dệt thổ cẩm, chế biến nước mắm. Điểm nhấn là hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, thành lập hợp tác xã, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới vào một số khâu trong công đoạn sản xuất; cải tiến mẫu mã, bao bì để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng.

Các nghệ nhân Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) sản xuất
các mặt hàng phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách. Ảnh: Văn Miên

Từ những động thái tích cực trên, đã tạo đà thúc đẩy một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố phát triển tương đối mạnh, như: Nghề may công nghiệp, chế biến nước mắm, chế biến các sản phẩm từ nho, táo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn. Không dừng lại đó, hoạt động khuyến công cũng đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển. Thực hiện đề án Ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất để thay thế công đoạn bằng thủ công, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, từ năm 2017 đến năm 2019, bằng nguồn vốn chương trình khuyến công, ngành chức năng hỗ trợ 14 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến nước mắm, nho, chuối, mủ trôm… với tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng.

Có thể nói, Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh như một “luồng gió mới” giúp công nghiệp có bước tiến vượt bậc. Từ một địa phương thuần nông có điểm xuất phát thấp, đến nay tỉnh ta dần trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí, thủy điện, cảng biển đã và đang triển khai xây dựng tạo được thế và lực mới cho sự phát triển đi lên của tỉnh.