Ninh Sơn: Hiệu quả từ mô hình tưới nước tiết kiệm

Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình tưới nước tiết kiệm trên địa bàn huyện Ninh Sơn, đến nay đã đem lại hiệu quả rõ nét. Không những tăng năng suất, giảm sức lao động cho người dân, mà quan trọng hơn là giải quyết được vấn đề thiếu nước trong mùa khô, đem lại màu xanh cho những vùng đất khô hạn.

Hiện nay mô hình tưới nước tiết kiệm đã được nhân rộng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Điển hình như gia đình anh Lê Văn Sang, thôn Phú Thuận (xã Mỹ Sơn), áp dụng mô hình vào sản xuất táo, từ 1 ha vào năm 2015, đến nay mở rộng lên tới 3,5 ha. Anh Sang, cho biết: Trước đây sử dụng phương pháp tưới truyền thống tốn công sức, mà năng suất không cao. Qua các phương tiện truyền thông, tôi nhận thấy hiệu quả mô hình tưới nước tiết kiệm nên đã tìm tòi, học hỏi làm theo. Năm 2016, gia đình quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, mở rộng diện tích sản xuất táo. Nhờ áp dụng mô hình, đã tiết kiệm được 80% sức lao động so với phương pháp tưới tràn. Cùng với việc kết hợp phủ dàn lưới để tránh sự xâm hại của côn trùng đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận tăng từ 10 - 20% so với trước đây. Tương tự, Anh Phan Xuân Tiến, thôn Lương Cang (xã Nhơn Sơn) cũng đầu tư 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho 1 ha nho. Theo anh Tiến, so với phương pháp tưới thông thường thì tưới phun mưa bằng bét tiết kiệm từ 20 – 30% lượng nước, giảm công lao động.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chủ động áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm.

Với điều kiện tự nhiên, khí hậu nắng nóng như tỉnh ta thì mô hình tưới nước tiết kiệm rất phù hợp, được xem là giải pháp ứng phó với hạn hiệu quả nhất. Đặc biệt là những khu vực sản xuất xa nguồn nước nên áp dụng mô hình, mặc dù thêm chi phí đầu tư, nhưng kết quả mang lại rất cao.

Đồng chí Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Mô hình tưới nước tiết kiệm trên địa bàn huyện chủ yếu áp dụng vào sản xuất các loại cây ăn quả (táo, nho, bưởi) mỳ, mía và cỏ phục vụ cho chăn nuôi gia súc. Những năm qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích bà con đẩy mạnh việc áp dụng mô hình, huyện cũng chủ động hỗ trợ kinh phí cho nông dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Hiện nay, đang tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình tại xã Quảng Sơn với diện tích 3,1 ha (mỳ, cỏ chăn nuôi), xã Lâm Sơn 4 ha (bưởi da xanh) và xã Mỹ Sơn 33,7 ha (táo, mía, bưởi, cỏ chăn nuôi).