Bài học kinh nghiệm từ đợt phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đi qua để lại bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, đó là: Ở đâu có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, thì ở đó hạn chế được thiệt hại.

Nhìn lại quá trình “chống chọi” với dịch tả lợn Châu Phi để thấy, các ngành, các cấp đã thay đổi cách thức điều hành, chỉ đạo, không đợi đến khi có dịch bệnh mới triển khai công tác phòng, chống. Ngay khi dịch xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 4985/KH-UBND ngày 20/11/2018 về ngăn ngừa và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh xâm nhiễm vào tỉnh Ninh Thuận; trong đó, tập trung một số nhiệm vụ và phải pháp trọng tâm, như: Kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh và chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin cho nhân dân nắm rõ về các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm, cách phòng, chống bệnh, chính sách hỗ trợ thiệt hại; đồng thời, vận động hộ chăn nuôi, buôn bán thịt heo thực hiện nghiêm túc 5 không (không giấu dịch; không buôn bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt)

Cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại hộ chăn nuôi heo ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Ảnh: H.Lâm

Thực hiện Kế hoạch hành động số 4985, ngành chức năng phối hợp với các địa phương triển khai công tác tiêu độc, khử trùng môi trường, đặc biệt ở những khu vực trọng điểm, nơi tập trung mua bán, giết mổ, tập kết vận chuyển heo. Thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời trên Quốc lộ 27, thuộc địa bàn huyện Ninh Sơn và trên Quốc lộ 1, thuộc địa bàn huyện Thuận Nam để đảm bảo kiểm soát tất cả các phương tiện lưu thông qua tỉnh ta. Riêng Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc có vai trò quan trọng để kiểm soát các phương tiện vận chuyển từ phía Bắc vào các tỉnh phía Nam, thì tổ chức trực nghiêm túc 24/24 giờ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện nhiều bản tin, phóng sự, tọa đàm tuyên truyền tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh. Đã cấp phát cho các hộ chăn nuôi 10.000 tờ rơi và 500 cuốn sổ tay tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tổ chức 7 lớp tập huấn cho 350 học viên là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cán bộ thú y cơ sở về phòng, chống dịch; tổ chức triển khai công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm. Tại Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc, lực lượng công an giao thông cùng với lực lượng cán bộ thú y đã tiến hành mở rộng lề hai bên Quốc lộ 1 tạo thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát lâm sàng và tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, bình quân mỗi ngày kiểm tra 13 xe ô tô vận chuyển 2.540 con heo và gần 6,7 tấn thịt đông lạnh.

Với quyết tâm đạt được mục tiêu cao nhất là ngăn chặn dịch lây lan vào tỉnh ta, Sở NN&PTNT đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giám sát tình hình dịch bệnh và cấp phát vật tư, trang thiết bị, hóa chất đầy đủ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; duy trì trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch tạm thời. Tổ chức theo dõi, giám sát đàn heo nuôi ở tất cả các trang trại, hộ gia đình; khuyến cáo bà con chăm sóc, nuôi dưỡng heo để tăng sức đề kháng, nếu nghi bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.

Kết quả từ công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi đáng được biểu dương, tỉnh ta là địa phương cuối cùng của cả nước. Khi dịch xuất hiện trên địa bàn thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn (cuối tháng 8-2019) lực lượng chức năng và UBND huyện Ninh Sơn đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch theo quy đinh. Thực hiện tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi hộ có lợn bệnh, hố chôn heo bệnh và cắm biển báo và giăng dây cảnh báo nơi chôn lấp động vật mắc bệnh. Tổ chức kiểm soát, không để vận chuyển heo ra, vào vùng bị dịch. Đối với các địa phương vùng đệm, tiếp giáp, thực hiện việc tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc với tần suất cao, tuyên truyền để người dân biết để chủ động phòng, chống dịch, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, nhờ đó dịch được khống chế, không lây lan trên diện rộng.

Hiện nay, tỉnh ta đã công bố khống chế thành công dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, lơ là. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 1 đến cuối tháng 2 - 2020, dịch tả lợn Châu Phi phát sinh thêm ở 24 xã, số lượng heo buộc phải tiêu hủy là 17.133 con, do đó nguy cơ tái phát dịch ở một số tỉnh đã khống chế được rất cao. Khó khăn chồng lên khó khăn, dịch cúm gia cầm cũng đã xuất hiện ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước tình hình cấp bách, tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong mùa hạn. Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, thiết nghĩ bài học kinh nghiệm từ đợt phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua vẫn còn nguyên giá trị, các ngành, các cấp cần chủ động áp dụng linh hoạt vào điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương mình.