Chuyện về những người làm du lịch “tử tế”

Để xây dựng nền du lịch bền vững, phát triển toàn diện, bên cạnh việc khởi nghiệp thành công, nhiều bạn trẻ làm du lịch hướng đến lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường, lan tỏa giá trị sống đích thực. Những việc làm sạch biển, mang điện lên núi, giải cứu nông sản… là những “nốt trầm đáng quý” đại diện cho tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết, sự đam mê và đang sống những ngày tháng thanh xuân đáng trân trọng.

Còn nhớ, chỉ nửa tháng trước, bãi Chuối (thuộc thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) như một biển rác khổng lồ, do sóng biển tấp vào. Cùng với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa, chàng trai Nguyễn Hữu Nghĩa (28 tuổi) - thiết kế tour và hướng dẫn viên du lịch tại vịnh Vĩnh Hy, thông qua mạng xã hội Facebook đã kêu gọi chiến dịch “Giải cứu bãi Chuối”. Sau 4 ngày ròng rã với hàng trăm lượt người tham gia, người dân địa phương và các bạn trẻ từ khắp nơi đổ về cùng chung tay, giúp sức đã trả lại nơi này vẻ đẹp đầy thơ mộng giữa núi rừng và biển khơi mà chắc chắn, nhiều người phải ngỡ ngàng. Không chỉ riêng gì chiến dịch này, mà tất cả các hoạt động vì môi trường xanh-sạch-đẹp của vịnh Vĩnh Hy đều có mặt Nghĩa và hội nhóm các bạn trẻ hoạt động kinh doanh du lịch tại địa phương. Vì yêu Vĩnh Hy, nên hơn ai hết, Nghĩa không thể chịu đựng được hình ảnh rác thải bủa vây các eo biển, rạn san hô nên thơ và hoang sơ này. Nghĩa bảo, khi bắt tay dọn rác ở đây nhiều người nói rằng, một người dọn trăm người xả cũng như “muối bỏ biển” thôi. Nhưng bọn mình vẫn làm, đơn giản chỉ vì nơi này đang cần bọn mình. Cũng theo Nghĩa, vấn đề rác thải đang rất nhức nhối trên toàn cầu, nên cần sự chung tay hơn nữa của mọi người. Không nhất thiết phải đi đến tận nơi, thu nhặt và phân loại rác mới gọi là bạn đã tham gia phong trào. Chỉ cần thay đổi thói quen sử dụng bao ni lông, các sản phẩm từ nhựa thì các bạn đã có một môi trường sạch nho nhỏ trong nhận thức. Từng đó cũng đã là một kỳ tích và giúp phần nào chúng mình không phải đi nhặt rác ở những bãi rác phát sinh trong tương lai.

Nhóm "Thắp sáng buôn làng" tặng thiết bị năng lượng mặt trời cho bà con ở khu vực CK35, xã Phước Dinh (Thuận Nam).

Cũng yêu Ninh Thuận như Nghĩa, anh Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Công ty Lữ hành Khoa Danh, lại thể hiện tình yêu của mình bằng một cách khác. Chương trình “Thắp sáng buôn làng” của Khoa và những người bạn đã trở thành hoạt động thường kỳ, đầy nhân văn và ý nghĩa với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Mỗi chuyến đi, mỗi tour anh thiết kế, không chỉ đơn thuần là khám phá, là trải nghiệm những vùng đất mới, mà còn lồng vào đó là những hoạt động thiện nguyện, đầy “tử tế” với môi trường và con người. Nhìn những người “thợ điện” không chuyên tỉ mỉ lắp bóng điện, đấu nối dây, kiểm tra kỹ càng hệ thống trụ điện, dây dẫn để lắp điện an toàn, chúng tôi càng thêm cảm phục những đóng góp thầm lặng. Những địa phương mà chương trình dừng chân, ở những nơi đó hầu như điện kéo không tới hoặc không có điều kiện để sử dụng nguồn điện, khi mặt trời xuống núi, người dân sống như thời chưa có mạng lưới điện quốc gia . Nhiều em nhỏ chỉ học bài được ban ngày, tối đến là đi ngủ sớm vì không có điện. Có đi đến những vùng như thế, cùng sống, cùng sinh hoạt với người dân mới hiểu hết được những thiếu thốn mà họ đang trải qua-Anh Khoa bày tỏ. Đến thời điểm hiện tại, chương trình đã lắp đặt hàng nghìn thiết bị điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh lân cận. Mới đây, chương trình tiếp tục lắp hàng chục máy điện năng lượng mặt trời cho bà con ở khu vực CK35 (Sơn Hải, Phước Dinh, Thuận Nam). Một hệ thống điện năng lượng mặt trời mà nhóm lắp đặt bao gồm 1 pin năng lượng, bình ắc quy, bộ điều khiển, bóng đèn và quạt máy. Vì theo anh Khoa, nếu chỉ lắp tấm pin thôi thì người dân ở đây cũng không có kinh phí để mua sắm các thiết bị điện để dùng. “Những ánh sáng hiện tại được thắp lên nhưng sẽ sáng được cả tương lai của những em nhỏ nơi đây. Từ đó, nhóm lại càng có thêm niềm tin và phấn đấu nhân rộng chương trình”- anh Khoa trải lòng.

Hay gần đây nhất là câu chuyện giải cứu nông sản của các bạn Hiệp hội Du lịch tỉnh. Hàng tấn dưa hấu bị ứ đọng do không bán được, xuất khẩu bị đình trệ do dịch Covid-19 của nông dân các huyện Thuận Nam, Ninh Sơn đã được các thành viên của Hiệp hội vận chuyển về Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, vận động bạn bè, người dân ủng hộ, tiêu thụ với mức giá hợp lý, giảm bớt tình trạng thua lỗ, trắng tay cho người trồng dưa. Câu chuyện về vài nghìn kg dưa hấu được tiêu thụ là sự thấu hiểu của cộng đồng và sẻ chia của toàn xã hội. Chỉ một việc nhỏ vào đúng thời điểm, mỗi người chúng ta đã có thể mang tới cơ hội thay đổi cuộc sống cho người dân nghèo. Cộng đồng thấy ấm lòng khi đã làm được những điều phi thường nhỏ bé, Hiệp hội cũng trở thành chiếc cầu nối những niềm vui và tình nghĩa trong cuộc sống còn đầy những hoàn cảnh khó khăn. Anh Trần Hiền, thành viên Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ.

Và còn thêm, nhiều hoạt động, dự án “Vì cộng đồng” khác đang và sẽ diễn ra. Đằng sau những câu chuyện đẹp và đầy màu sắc ấy chính là tinh thần thay đổi và cảm hứng về một cuộc sống xanh, bền vững được truyền đi tới mọi người. Một nền du lịch lớn mạnh không chỉ là nền du lịch được hưởng lợi, đó phải là nền du lịch biết lan tỏa và nhân rộng giá trị của cộng đồng. Từ những khởi xướng ban đầu này, du lịch tỉnh nhà thêm cơ hội nối dài những hành trình “tử tế”, góp phần phát triển nhanh, ổn định và toàn diện trong tương lai.