Lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Bác Ái

Được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, hoạt động phù hợp với thực tế của địa phương và truyền thống văn hóa của đồng bào Raglai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) tại huyện Bác Ái đã trở thành cuộc vận động có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo tầng lớp người dân địa phương tham gia.

Mặc dù là huyện còn nhiều khó khăn với hơn 95% là đồng bào dân tộc Raglai, nhưng những năm qua, cuộc sống của người dân địa phương có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong đó phải kể đến sự tác động lớn từ phong trào TDĐKXDĐSVH đã mang lại. Cụ thể, một số phong tục, tập quán lạc hậu được xóa bỏ; nhân dân địa phương đoàn kết trong lao động, sản xuất; từng gia đình, khu dân cư thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa; xây dựng các hương ước, quy ước trong tộc họ, khu dân cư nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Đạt được những kết quả như trên, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Bác Ái đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa của phong trào TDĐKXDĐSVH, các tiêu chuẩn trong xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” đồng thời lồng ghép vào các phong trào thi đua tại cơ sở, qua đó tạo khí thế sôi nổi, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia. Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương triển khai linh hoạt và đồng bộ. Trong đó, địa phương xác định muốn phong trào TDĐKXDĐSVH đạt được hiệu quả phải đi đôi với phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của người đồng bào Raglai, có như vậy mới phát huy tối đa vai trò chủ thể là nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 80% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, có 26/38 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa; 37/38 thôn có đội văn nghệ dân gian, đội Mã La.

Khu dân cư kiểu mẫu ở thôn Bạc Rây, xã Phước Bình lưu giữ và bảo tồn nhạc cụ dân tộc Raglai.

Phước Chính được xem là điểm sáng của cả huyện về phong trào TDĐKXDĐSVH nhờ việc triển khai các giải pháp linh hoạt và sáng tạo. Dựa trên tinh thần đoàn kết của các cộng đồng các khu dân cư cũng như phát huy tiếng nói của người uy tín, cán bộ hưu trí, địa phương đã xây dựng thành các quy ước, hương ước về các chuẩn mực ứng xử trong gia đình, cộng đồng, đồng thời tăng cường tuyên truyền các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm loại bỏ các hủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng lành mạnh. Từ phong trào trên đã xuất hiện nhiều cá nhân, gia đình tiêu biểu của địa phương. Đơn cử như ông Chamaléa Phôi điển hình hạt nhân vận động nhân dân hiến đất làm nhà văn hóa, đường nông thôn; gia đình Katơr Phiêu điển hình trong lao động sản xuất; tộc họ tự quản Chamaléa nói không với bạo lực gia đình, tảo hôn; thôn Suối Rớ phát huy và lưu giữ nhạc cụ dân tộc... Đồng chí Pi Năng Thị Na, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chính cho biết: Qua thời gian triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH, địa phương đã phát huy được sức mạnh cộng đồng trong triển khai xây dựng thành công tuyến đường “ánh sáng nông thôn” tại trục đường chính nối 3 thôn; xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp, 3/3 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, 85% gia đình được công nhận là gia đình văn hóa.

Từ thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại huyện Bác Ái nhận được sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của nhân dân; cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đúng mức. Đến nay, toàn huyện có 2 sân vận động, 7/9 xã có nhà văn hóa-thể thao, 9/9 xã có hệ thống phát thanh. Các thiết chế văn hóa cơ bản đã phát huy công năng sử dụng, là nơi sinh hoạt, hội họp của nhân dân cũng như địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, qua đó tạo không khí vui tươi, sôi nổi ở các làng quê. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Raglai được chính quyền địa phương quan tâm và đầu tư với việc xây dựng các đội văn nghệ dân gian, bảo tồn các bộ nhạc cụ Mã La, hát sử thi, chữ viết Raglai; các lễ hội, trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống được duy trì, góp phần giáo dục thế hệ trẻ.

Có thể khẳng định những kết quả đạt được từ phong trào TDĐKXDĐSVH ở huyện Bác Ái không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà tạo sự gắn kết giữa các gia đình, cộng đồng các khu dân cư, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, qua đó xây dựng môi trường xã hội lành mạnh cũng như góp phần quan trọng vào mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.