Chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng

Thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên cùng với sự phát triển đô thị hóa và nhu cầu về nhà ở tăng, các công trình xây dựng không phép, sai phép, vi phạm quy hoạch xây dựng vẫn diễn ra khá phức tạp.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, qua kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện 278 trường hợp vi phạm về TTXD, tăng 162 trường hợp so với năm 2018. Theo Thanh tra sở Xây dựng, do việc xử lý, ngăn chặn của các địa phương chưa kịp thời, triệt để nên tình trạng công trình vi phạm tiếp tục thi công hoàn thành đưa vào sử dụng chiếm tỷ lệ cao. Trong số các trường hợp vi phạm, có 44 trường hợp đã ngừng thi công, nhưng chưa tháo dỡ, 168 trường hợp vi phạm đã và đang hoàn thành đưa vào sử dụng 9 trường hợp đang lập hồ sơ cưỡng chế... Chỉ có 26 trường hợp vận động tự tháo dỡ và 4 trường hợp đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ...

Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra về trật tự xây dựng trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.Ảnh: Thanh Thịnh

Tình hình vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trên đất nông nghiệp, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng chiếm tỷ lệ cao với 164/278 trường hợp vi phạm, chiếm 59%; tình hình vi phạm về TTXD đô thị cũng gia tăng với 114/278 trường hợp, chiếm 41%. Nổi lên là vi phạm sai phép tại khu K1, tỷ lệ sai phép trên 83% số công trình, nhà ở đã và đang thi công xây dựng trên các khu đất ở thương mại. Tình hình vi phạm san lấp đất nông nghiệp với diện tích lớn, phân lô bán nền ở một số địa phương đã và đang diễn ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để. Điều đáng quan tâm là hầu hết các vụ vi phạm chỉ mới dừng lại ở hình thức phạt tiền, chưa áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, cưỡng chế công trình, nhà ở, khôi phục hiện trạng theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, nên chưa có tính răn đe, giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 99 trường hợp xây dựng vi phạm, không chấp hành xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp ngăn chặn mà vẫn tiếp tục thi công xây dựng như một công trình hợp pháp. Tình trạng vi phạm san lấp đất nông nghiệp, phân lô bán nền diễn ra ở nhiều nơi, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục, làm phá vỡ các quy hoạch về đất đai và xây dựng.

Đối với các huyện, công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và TTXD trên địa bàn các huyện mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng trong năm 2019 vẫn xảy ra 60 trường hợp vi phạm, tăng 6 trường hợp so với năm 2018. Chủ yếu vi phạm mục đích sử dụng đất như: xây dựng trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang an toàn đường bộ, xây dựng trên đất thương mại dịch vụ không xin phép. UBND cấp huyện và cấp xã đã xử lý 19 trường hợp và buộc tháo dỡ công trình vi phạm.

Ông Phan Tấn Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường chấn chỉnh công tác, quản lý TTXD trong thời gian tới, các địa phương cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm về quản lý TTXD, đất đai; tập trung hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và hệ thống chính trị, để thực hiện hiệu quả các giải pháp. Phấn đấu mục tiêu năm 2020 xử lý dứt điểm 100% trường hợp vi phạm sau khi phát hiện, không để vụ việc vi phạm kéo dài và công trình, nhà ở xây dựng vi phạm tiếp tục hoàn thiện; phấn đấu giảm số vụ vi phạm đến mức thấp nhất, so với năm 2019. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành quy định pháp luật. Hàng năm rà soát bổ sung quy hoạch bố trí diện tích đất ở cho các địa phương, trên cơ sở nhu cầu thực tế để có giải pháp hỗ trợ ổn định nhà ở cho người dân. Thường xuyên nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý về TTXD, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có sự giám sát, lập biên bản xử lý kịp thời, gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương để phát huy hiệu quả xử lý, hạn chế để xảy ra vi phạm về TTXD.

----

* Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nếu không có sự quyết tâm thực hiện đồng bộ thì tình hình vi phạm trật tự xây dựng sẽ không giảm. Hiện nay, các văn bản chỉ đạo, chương trình kế hoạch, cũng như quy định chế tài, giải pháp đã có nhưng các địa phương không thực hiện nghiêm túc thì vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Trong thời gian tới, để tạo sự chuyển biến tích cực, cần phát huy vài trò giám sát chặt chẽ của Mặt trận trong thực hiện nhiệm vụ này. Các đơn vị, địa phương cần có cơ chế kiểm tra chéo đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ; khắc phục khó khăn về con người, sử dụng công nghệ để theo dõi, quản lý kịp thời, hiệu quả đối với công tác quản lý TTXD. Các địa phương cũng cần quan tâm rà soát nhu cầu nhà ở của người dân; công khai quy hoạch một các rõ ràng, cụ thể đối với những vùng được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phục vụ nhu cầu đất ở tại địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân rõ chính sách, quy định mới để chấp hành, hạn chế thấp nhất việc công trình đã xây xong phải tổ chức cưỡng chế gây thiệt hại cho người dân và khó khăn cho công tác xử lý n

* Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước: Địa phương đã triển khai khá chặt chẽ, có trách nhiệm các nội dung chỉ đạo và kế hoạch của UBND tỉnh. Theo đó, huyện có quy hoạch khu dân cư nông thôn, có công khai công bố và tuyên truyền cho người dân biết; chỉ đạo các địa phương vận động người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tập trung phân lô các khu cân cư đáp ứng nhu cầu về đất ở trên cơ sở rà soát nhu cầu đất ở của các địa phương. Qua đó, trong các năm đã giảm dần các trường hợp vi phạm về TTXD. Huyện cũng đã công khai đường dây nóng lãnh đạo địa phương để tiếp nhận thông tin, kịp thời chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm về TTXD. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận đoàn thể phối hợp tuyên truyền các chủ trương chính sách và làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện xử lý vi phạm từ cơ sở để xử lý hiệu quả. Mặt khác kiến nghị tỉnh và ngành chức năng sớm phê duyệt đề án vùng nuôi chim yến; có quy định về xây dựng chòi rẫy trong khu dân cư, khu sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, sớm tháo gỡ được khó khăn dẫn đến tình trạng vi phạm về xây dựng công trình trên đất sản xuất n

* Ông Nguyễn Văn Quế, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường: Qua theo dõi, số vụ vi phạm sử dụng đất trong thời gian qua tại các địa phương khá nhiều, nhưng việc xử lý chưa hiệu quả. Trong thời gian tới, thực hiện Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2020 (thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ) sẽ khắc phục những bất cập về cơ chế, chế tài xử lý, theo đó sẽ xử lý nghiêm các hành vi san lấp mặt bằng, lấn chiếm đất công, mua bán đất khi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các địa phương cần có sự quan tâm, xây dựng kế hoạch triển khai tập huấn để vận dụng quản lý tốt về trật tự xây dựng tại các địa phương trong thời gian tới.