Cần ngăn chặn triệt để tình trạng ăn xin

Những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, các công trình “điện, đường, trường, trạm” được ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả nên đời sống nhân dân từng bước cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ít hộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền, sự tiếp tế của cộng đồng mà sinh ra lười lao động, tìm thu nhập bằng cách đưa con cháu đi lang thang ăn xin. Mới đây, Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Bình Thuận đã trả về địa phương 27 đối tượng lang thang ăn xin, trong đó có 26/27 đối tượng là đồng bào Raglai xã Bắc Sơn (Thuận Bắc).

Lãnh đạo UBND xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) đến nhà vận động, tuyên truyền phụ huynh chấm dứt việc cho con em đi ăn xin.

Bà Lượng Thị Gọn, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) cho biết: Năm 2012, tình trạng đồng bào Raglai ở 2 thôn Xóm Bằng 1 và Xóm Bằng 2 bỏ làng đưa con đi lang thang ăn xin bắt đầu xuất hiện. Địa bàn ăn xin chủ yếu tại Tp. Phan Rang – Tháp Chàm vào thời điểm trước Tết Nguyên đán và mùa hè khi có đông khách du lịch về tham quan, nghỉ dưỡng. Từ năm 2019, do đã nhiều lần bị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tập trung, trả về địa phương và viết cam kết không tái phạm nên các đối tượng chuyển địa bàn sang tỉnh Bình Thuận.

Để ngăn chặn tình trạng đồng bào bỏ làng đi lang thang ăn xin, chính quyền các cấp từ xã đến thôn đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ. Song song với việc phối hợp các đoàn thể, tôn giáo, trường học, các già làng, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động đồng bào không lang thang ăn xin, chính quyền xã Bắc Sơn đã huy động các nguồn lực, hỗ trợ vay vốn giúp các đối tượng này có điều kiện phát triển sản xuất. Tuy nhiên, chỉ một thời gian, tình trạng này lại tái diễn. “Sự thiệt thòi lâu dài, cuối cùng đều thuộc về trẻ em. Không những phải nghỉ học đi lang thang xin ăn dài ngày, các em còn dễ bị xâm hại, méo mó về nhân cách, cùng nhiều hệ lụy khó lường khác. Sau nhiều đợt tuyên truyền, nhiều phụ huynh đã “nghe ra”, tình trạng đưa trẻ đi lang thang xin ăn có lắng xuống. Thế nhưng số trẻ này lớn lên hết đi xin, lại có lớp trẻ em khác tiếp tục đi xin, hộ này đi xin có tiền lại tiếp tục rủ rê hộ khác cùng đi, cứ lặp đi lặp lại như vậy nên tình trạng trẻ em Raglai ở địa phương đi xin ăn bùng phát trở lại.” – bà Gọn nói.

Sau khi tỉnh Bình Thuận đưa 26 đối tượng lang thang ăn xin trả về địa phương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã có văn bản đề nghị Đảng ủy, UBND xã Bắc Sơn triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng đồng bào bỏ làng đi lang thang ăn xin trong thời gian tới. Theo đó, nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng trong việc đấu tranh ngăn chặn tình trạng bỏ làng đi lang thang ăn xin, trưởng các thôn, già làng, những người có uy tín trong cộng đồng tổ chức họp dân và xây dựng quy ước hương thôn; trong đó, đưa ra quy định các mức phạt đối với các đối tượng này, như: Cảnh cáo trước dân làng hoặc xử phạt hành chính vì vi phạm quyền trẻ em. Bên cạnh đó, địa phương tạo điều kiện cho các đối tượng này tham gia học nghề và giới thiệu việc làm. Ngoài ra, vào dịp hè và thời điểm trước Tết Nguyên đán, các đoàn thể và trường học tổ chức những hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích để thu hút trẻ em, nhằm hạn chế tình trạng đi lang thang ăn xin.

Ngoài những giải pháp trên, theo bà Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, việc triển khai thực hiện mô hình “Mỗi tổ chức giúp đỡ một thôn khó khăn, mỗi đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo” là một giải pháp huy động được nhiều nguồn lực tham gia hỗ trợ cùng với địa phương ngăn chặn hiệu quả tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số bỏ làng đi lang thang ăn xin trong thời gian tới.