QUA 3 THÁNG ĐẦU NĂM:

Thấy gì từ CPI trong tỉnh?

Có thể nói, tháng 3 năm nay giá cả tiêu dùng trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng tiếp tục có những biểu hiện “trái tính” và đi ngược với... qui luật chung!

Có thể nói, tháng 3 năm nay giá cả tiêu dùng trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng tiếp tục có những biểu hiện “trái tính” và đi ngược với... qui luật chung! Theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2011 tiếp tục tăng đến 2,45% so với tháng trước . Trong đó chỉ số nhóm hàng hóa tăng 2,75% và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 1,64%. Điều cũng đáng nói là nếu như trong tháng 2-2011 nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 5,71% và nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm chỉ tăng 0,24% thì bước sang tháng 3 đã đảo chiều: nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm đã “đột ngột” tăng đến 4,18% trong khi nhóm hàng lương thực-thực phẩm chỉ tăng 1,57%! Như vậy, nếu so với cùng tháng của những năm trước thì đây là mức tăng khá cao (tháng 3-2008 tăng 2,18%, tháng 3-2009 tăng 0,29% và tháng 3-2010 tăng 0,9%), ngược với xu hướng hàng năm là giá cả thị trường sau Tết Nguyên đán thường giảm xuống. Như vậy, chỉ sau 3 tháng (so với tháng 12 năm 2010) tốc độ tăng CPI đã lên đến 6,15%, mức tăng này chỉ thấp hơn so với mức tăng của quý I/2008 (6,93%) và cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm 2010.

Thử tìm hiểu về diễn biến giá cả tiêu dùng của một số nhóm mặt hàng chính trong 3 tháng đầu năm. Đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: So với tháng 12-2010, chỉ số nhóm hàng này đã tăng 8,31%. Do có “quyền số” lớn (40%) nên đã góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 3,32%. Nhóm này tăng chủ yếu do giá lương thực tăng cao (6,94%), cụ thể là giá gạo tăng 1.000đ/kg từ cuối tháng 2 (do ảnh hưởng của giá lương thực thế giới biến động mạnh, nhu cầu mua gạo phục vụ xuất khẩu tăng) nên đã làm cho giá tất cả các loại thực phẩm chế biến như bánh phở, bún, bánh mì... đều tăng cao. Mặt khác giá thực phẩm đã tăng đến 9,04% - đây được xem là nhóm có tốc độ tăng cao nhất trong 3 tháng đầu năm. Có thể kể đến các mặt hàng như: thịt gia súc tăng 11,73%; thịt gia cầm tăng 13,08%; giá các loại dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng lên, bình quân 30,36%; thủy sản tươi sống tăng 7,95%, giá các loại đậu và hạt tăng 11,51%, giá quả tươi tăng 22,29%, sữa, bơ tăng 11,14% do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán và chi phí đầu vào tăng. Khu vực ăn uống ngoài gia đình tăng 7,29%, chủ yếu là do ảnh hưởng của giá lương thực - thực phẩm tăng, đây là nguyên nhân làm cho chỉ số giá nhóm này tăng.

Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 9,8%, đây là nhóm có chỉ số giá cao nhất trong 11 nhóm hàng chính. Nhóm này tăng chủ yếu là do đồ uống không cồn tăng 5,48%, thuốc hút tăng 13,21% do nhu cầu tăng mạnh. Nhóm may mặc tăng 4,75%, chủ yếu là đồ may sẵn tăng, giày dép tăng 17,02%, dịch vụ may mặc tăng 15,35%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,67%, chủ yếu là giá vật liệu xây dựng tăng cao do giá xi-măng điều chỉnh tăng 60.000đ/tấn từ ngày 11-2-2011, giá thép phi 6 và phi 8 liên tục tăng trong tháng 2 và tháng 3, giá các loại gạch, đá, cát… cũng tăng cao vào đầu tháng 3-2011. Giá gas đun và chất đốt khác cũng tăng cao (tăng 5,14%).

Nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 3,10%, chỉ số nhóm này tăng chủ yếu ở các mặt hàng như tủ lạnh tăng 3,71%, máy vi tính và phụ kiện máy vi tính tăng 8,19%, đồ dùng trong nhà tăng 3,39% do điều chỉnh tăng tỷ giá làm cho giá các mặt hàng này tăng. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí đầu vào của các mặt hàng đồ dùng gia đình nên đã đẩy giá tăng theo. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,72%, chủ yếu do một số thuốc kháng sinh tăng, dụng cụ y tế tăng 7,61%, dịch vụ khám sức khoẻ tăng 4,37%.

Nhóm giao thông, bưu chính-viễn thông tăng 8,10%, nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng được chỉnh tăng 2.900đ/lít, giá dầu diezel tăng 3.550 đ/lít từ ngày 24-2-2011. So với tháng 12-2010, giá nhiên liệu tăng 14,10% từ đó làm cho các dịch vụ về giao thông công cộng cũng tăng theo…, cụ thể giá tàu hoả tăng 4,77%, giá xe khách tăng 10,17%, giá xe buýt tăng 36,36%, giá tắc-xi tăng 20% so với tháng 12-2010.

Các nhóm còn lại như nhóm giáo dục tăng 0,68%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,83%; bưu chính-viễn thông vẫn giữ ở mức ổn định. Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,60% chủ yếu do giá dịch vụ cá nhân như cắt tóc, gội đầu… tăng 13,33%, hiếu hỷ tăng 8,88%. So với tháng trước chỉ số giá vàng tăng 5,01% và tăng 4,32% so với tháng 12-2010. Chỉ số giá đô-la Mỹ tăng 1,48% so với tháng trước và tăng 2,04% so với tháng cuối năm.

Với giá cả tăng cao đều khắp các nhóm hàng hóa như đã nêu trên làm cho người tiêu dùng trong tỉnh phải thêm một lần cân nhắc trong mua sắm, chi tiêu để không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày của gia đình. Theo dự báo của các nhà chuyên môn, khả năng trong những tháng tới CPI tuy có tăng nhưng sẽ không quá cao như những tháng vừa qua. Bởi lẽ, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã phát huy tác dụng ở nhiều lĩnh vực và đạt hiệu quả cao. Vấn đề còn lại là các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cần quyết tâm thực hiện đúng theo tinh thần Chỉ thị 11 của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.