Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”

Ngày 21-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm trở lại đây công nghiệp chế biến nông sản của nước ta có những bước phát triển vượt bậc, công suất chế biến đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm; hình thành và phát triển với trên 7.500 cơ sở công nghiệp chế biến quy mô lớn; góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ngành Nông nghiệp, sản phẩm chế biến nông sản ngày càng khẳng định vị thế, đã xuất khẩu tới 186 nước trên thế giới, nâng kim ngạch xuất khẩu đạt mức 41,3 tỷ USD trong năm 2019.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh, nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại được áp dụng đại trà. Đến nay, số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29% so với năm 2011; trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/1 ha canh tác.

Mục tiêu đề ra đến năm 2030, công nghiệp chế biến mặt hàng nông-lâm-thủy sản nước ta đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistic nông sản toàn cầu; phấn đấu tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến đạt từ 30% trở lên, trên 50% cơ sở chế biến đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt từ 80-100%; vùng sản xuất hàng hóa tập trung đều được thực hiện đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh: Với việc nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp thời gian qua được xem là động lực, tiền đề thiết thực, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản của cả nước. Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, ngoài những chính sách hỗ trợ của trung ương, các bộ, ngành liên quan và địa phương tiếp tục xây dựng đồng bộ cơ chế phối hợp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng khu vực cụ thể. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu các đề án, mô hình trình diễn về công nghiệp chế biến và cơ giới hóa; đồng thời, chuyển giao kết quả đề tài khoa học đến nông dân ở các địa phương. Các hệ thống ngân hàng tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách vay ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phục vụ công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trên diện rộng; liên kết chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản trong và ngoài nước…