Du lịch Việt Nam nỗ lực vượt khó trước dịch bệnh COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 gây ra đã tác động mạnh đến hoạt động du lịch tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Nhiều giải pháp đã được đề ra nhằm giúp ngành du lịch vượt qua thời điểm đầy khó khăn, thách thức này. Trong đó, kích cầu du lịch là giải pháp mà chính quyền các điểm đến đang hướng tới.

Thiệt hại lớn

Du lịch là ngành rất dễ bị tổn thương vì chịu nhiều tác động xã hội, chính trị, kinh tế, dịch bệnh, thiên tai... Theo ước tính ban đầu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây ra, trong ba tháng tới, thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9-7 tỷ USD. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Hoài Chung cho biết đây là thiệt hại dựa trên cơ sở nhiều tác động trước mắt, như: Trung Quốc hạn chế công dân đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng các lễ hội, hoạt động tại một số khu di tích, danh lam thắng cảnh; các thị trường quốc tế khác đang e ngại đến khu vực châu Á; người dân trong nước hạn chế đi du lịch...

Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, dự đoán khách du lịch sẽ giảm 90%-100%, tương ứng giảm 1,7-1,9 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.021 USD/lượt (theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng cục Du lịch), thiệt hại kinh tế sẽ là 1,8-2 tỉ USD. Đối với các thị trường khách quốc tế còn lại, khách du lịch giảm khoảng 50%-70%, tương ứng lượng khách giảm 2-2,8 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.083 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2-2,3 tỷ USD. Với thị trường nội địa, dự đoán khách du lịch giảm 50-70%, tức lượng khách sẽ giảm 10,9-15,3 triệu lượt; thiệt hại từ thị trường này khoảng 1,9-2,7 USD.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, con số thiệt hại theo ước tính của Tổng cục Du lịch chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách, nhân với mức chi tiêu bình quân, chưa tính đến thiệt hại của các doanh nghiệp. Trong khi đó, đối tượng chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất hiện nay chính là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú như hệ thống resort-khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí...).

Theo đánh giá sơ bộ của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến giữa tháng 2-2020, công suất phòng của các cơ sở lưu trú trên địa bàn giảm mạnh hơn 50% so với cùng kỳ năm trước; lượng khách qua các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng giảm đến 50%, trong khi đó, các đơn vị chuyên khách nói tiếng Hoa có mức sụt giảm còn mạnh hơn, lên đến trên 70%. Một số doanh nghiệp lữ hành lớn cho biết, số tiền thiệt hại chỉ sau 1 tháng bùng nổ dịch bệnh đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Chưa kể việc phải đền bù, đóng phạt cho đối tác nước ngoài trong trường hợp khách đòi hủy tour mà không thương lượng được. Các hoạt động, kế hoạch phát triển thị trường của nhiều doanh nghiệp bị xáo trộn, ngưng trệ dẫn đến việc làm của lao động ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với cán bộ, công nhân viên.

Tại Thủ đô Hà Nội, tính đến 17-2, đã có gần 20.000 khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội, tập trung chính vào khách đến từ Trung Quốc (17.120 lượt), còn lại là các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật, Indonesia, châu Âu, Mỹ… Cùng với đó, trên 19.000 khách nội địa hủy tour đến Hà Nội. Theo số liệu thống kê từ các cơ sở lưu trú, số ngày phòng bị hủy là trên 30.600 ngày với trên 42.700 lượt khách.

Thị trường khách du lịch Đà Nẵng cũng giảm từ 10-50% cùng kỳ, trong đó, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á giảm từ 20-30%. Các đoàn khách lẻ có tour từ Trung Quốc hay đi Trung Quốc đều đã huỷ... Cùng với đó, công suất khai thác của các khách sạn giảm từ 30-40% so cùng kỳ; công suất tại các điểm đến du lịch cũng giảm từ 30-40%. Những nơi trước đây khách Trung Quốc, Hàn Quốc đông kín trên các tuyến đường trung tâm thì nay vắng bóng.  

Tại Khánh Hòa, hiện hầu hết khách Trung Quốc đã rút vì COVID-19. Còn tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đến thời điểm hiện tại khoảng 10.000 phòng khách sạn được đặt từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3-2020 đã bị hủy, chủ yếu ở phân khúc khách sạn 1-2 sao, các homestay, nhà nghỉ bình dân... Ngoài ra, rất nhiều hàng quán, nhà hàng, khách sạn nhỏ tại các điểm nóng du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đã phải thông báo đóng cửa...

Tất cả những thiệt hại này chắc chắn vượt xa con số 7 tỷ USD mà Tổng cục Du lịch ước tính.

Nỗ lực kích cầu, đưa du lịch vượt khó

Hiện nay, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và một số quốc gia, nhưng Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra tình trạng lây lan trong cộng đồng. Các giải pháp chữa trị, phòng ngừa đã phát huy hiệu quả cao. Từ khi dịch bệnh COVID-19 chính thức bùng nổ và lan rộng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã 2 lần gửi thư tới bạn bè và đối tác quốc tế của ngành du lịch, thông báo về việc ngành du lịch Việt Nam đang chủ động kiểm soát những tác động của dịch bệnh và các điểm du lịch tại Việt Nam vẫn hoạt động bình thường. Theo Tổng cục Du lịch, trong bối cảnh hiện nay, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh là điều rất quan trọng, giúp thu hút khách quay trở lại sau mùa dịch bệnh

 

Đông đảo du khách nước ngoài quay lại Việt Nam, đến bãi biển Mỹ Hòa (Ninh Hải) để Lướt ván diều. Ảnh: Văn Nỷ

Theo Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, để hồi phục thị trường du lịch trong và sau dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp lâu dài, bên cạnh những giải pháp trước mắt như xin giảm, giãn thuế, giảm lãi suất ngân hàng. Từ đó nhằm cơ cấu lại ngành du lịch và chuẩn bị tiềm năng tốt nhất cho bùng nổ du lịch trở lại ngay khi dịch kết thúc. Cụ thể, Tổng cục Du lịch đã đề nghị bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ưu tiên kinh phí để sớm tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường mới, như: Ấn Độ, Tây Âu, Bắc Mỹ. Song song đó là với những thị trường Đông Bắc Á ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lượng khách. Tổng cục Du lịch cũng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn visa đơn phương trong năm 2020 cho một số nước Bắc Âu, Canada, một số nước Tây Âu; đề nghị miễn phí visa trong năm 2020 cho tất cả khách quốc tế đến Việt Nam.

Cùng với nỗ lực của Tổng cục Du lịch, hiện nay, kích cầu là giải pháp mà chính quyền các điểm đến đang hướng tới. Chuyên gia du lịch Lã Quốc Khánh đánh giá việc kích cầu, xây dựng các tour trọn gói giá rẻ cho du khách sau dịch bệnh là bước đi cần thiết và hiệu quả. Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho biết, trước tác động quá lớn của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế của Phú Quốc, bên cạnh việc theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm việc cụ thể với các tập đoàn, doanh nghiệp, các khu nghỉ dưỡng cao cấp lớn để có chính sách ưu đãi, khuyến khích, kích cầu du lịch.

Đối với TP Hồ Chí Minh, theo dự kiến từ tháng 4 đến tháng 7-2020, Thành phố sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch phục hồi thị trường trong và sau dịch COVID-19. Với kế hoạch này, các doanh nghiệp vận chuyển hàng không, đường sắt, đường thủy và đường bộ sẽ có chính sách khuyến mãi, giảm giá sâu các chiều đi/đến TP Hồ Chí Minh nhằm thu hút khách du lịch vào Thành phố cũng như khuyến khích người dân Thành phố đi du lịch các địa phương khác. Các cơ sở lưu trú du lịch, đặc biệt là các khách sạn 2-4 sao và các cơ sở ăn uống, mua sắm, sẽ đưa ra chính sách khuyến mãi, giảm giá sâu cho khách du lịch. Các điểm tham quan thực hiện miễn giảm giá vé tham quan và các dịch vụ đi kèm khác. Đặc biệt, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ phối hợp với tất cả các đơn vị, dịch vụ trên để xây dựng các chương trình kích cầu du lịch vào Thành phố với các hình thức khuyến mãi, giảm giá đặc biệt. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng xây dựng các chương trình du lịch về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ với các hình thức khuyến mãi và giảm giá sâu. Theo các doanh nghiệp, nếu đảm bảo được mức giảm giá từ 30% trở lên, chương trình kích cầu sẽ có tác dụng hiệu quả.

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có công văn gửi các địa phương là Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và Đắk Lắk về triển khai chương trình kích cầu du lịch, thành lập Liên minh kích cầu du lịch. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam chương trình này sẽ góp phần cho du lịch Việt Nam chủ động khôi phục hoạt động ngay sau khi  dịch bệnh COVID-19 kết thúc. Để chương trình kích cầu hiệu quả, Hiệp Hội Du lịch Việt Nam chọn 4 địa phương là Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và Đắk Lắk là khu vực không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để triển khai các chương trình kích cầu. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị sở du lịch các địa phương lập danh sách các khách sạn từ 3-5 sao, đội xe từ 7-45 chỗ tham gia chương trình; phối hợp xây dựng sản phẩm, điều hành và phục vụ tour đảm bảo an toàn cho khách du lịch; Hỗ trợ vé tham quan miễn phí cho khách du lịch; đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng và giá thấp cho cho chương trình kích cầu đến quý 3-2020… Theo kế hoạch, vào ngày 21-2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ công bố liên minh kích cầu du lịch Việt Nam năm 2020.