Thuận Nam Chủ động ứng phó với hạn

Do thời tiết nắng hạn kéo dài, tính đến ngày 18-2-2020, mực nước tại các hồ: Tân Giang còn khoảng 1,74 triệu m3; Sông Biêu khoảng 1,75 triệu m3; Núi Một khoảng 1,61 triệu m3; CK7 khoảng 1,09 triệu m3 và các hồ còn lại nằm ở mực nước chết. Trước tình hình thiếu hụt nước nghiêm trọng, có nơi không có nước sản xuất nên huyện Thuận Nam phải ngưng sản xuất 2.800ha (lúa 1.800 ha; cây màu các loại hơn 1.000ha)

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thuận Nam, để chủ động ứng phó với hạn năm 2020 ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 6-12-2019 để chủ động ứng phó với hạn năm 2020.

Người dân xã Phước Nam (Thuận Nam) chủ động nước uống cho đàn cừu.

Theo đó, huyện đã phân công cụ thể cho từng ngành và các xã triển khai các giải pháp ứng phó với hạn, ngăn ngừa xâm nhập mặn, bảo vệ rừng, phòng chống cháy nổ và biến đổi khí hậu gây ra. Yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, có trọng điểm, ưu tiên theo từng nhiệm vụ, từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế diễn ra ở địa phương. Phối hợp với Trạm Thủy nông tổ chức nhiều đợt kiểm tra, khảo sát thực tế về nguồn nước để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nhằm phục vụ sinh hoạt của nhân dân, nước uống cho gia súc, cây lâu năm và sản xuất, xây dựng lịch điều tiết nước được thực hiện 2 đợt/tháng.

Trong vụ đông-xuân 2019-2020, huyện Thuận Nam chỉ tập trung sản xuất với diện tích gieo trồng 484,8ha/540 ha, đạt 90% so kế hoạch. Trong đó, diện tích cây màu các loại: 373.3 ha; chuyển đổi 111,5 ha cây trồng trên đất lúa, chủ yếu là đậu đen, đậu xanh, rau màu tại các xã Phước Hà, Nhị Hà, Phước Ninh, Phước Dinh và Phước Nam. Ông Báo Nùng ở thôn Văn Lâm 4 (xã Phước Nam), cho biết, qua nhiều năm kinh nghiệm và thường xuyên nắm tình hình diễn biến thời tiết nắng hạn diễn ra, tháng 12-2019, ông đã chủ động chuyển đổi 1 ha đất trồng lúa thiếu nước, không hiệu quả sang cây trồng cạn, sử dụng nước tiết kiệm, chủ yếu là trồng cây đậu xanh để ứng phó với hạn. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, thu hoạch đạt sản lượng mỗi sào khoảng 8 tạ, lợi nhuận khoảng 7 triệu/sào, nhờ đó ổn định cuộc sống gia đình.

Ông Báo Nùng ở thôn Văn Lâm 4 (xã Phước Nam) trồng đậu xanh sử dụng nước tiết kiệm để ứng phó với hạn.

Để duy trì ổn định đàn gia súc, không để xảy ra tình trạng gia súc chết do thiếu thức ăn và nước uống, huyện đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần chủ động dự trữ thức ăn, đào ao, trồng cỏ để duy trì tổng đàn gia súc 95.981 con. Trong đó, bò 18.280 con; dê, cừu 75.747 con; heo 1.954 con. Đồng thời, tiến hành tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Về nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, hiện nay cơ bản vẫn đảm bảo được nguồn nước uống. Tuy nhiên, một số khu vực có khó khăn về nước uống như: Thôn Phước Lập, xã Phước Nam nguồn nước chảy yếu vào thời gian cao điểm. Do đó, huyện đã chỉ đạo địa phương triển khai cho nhân dân tích nước để sử dụng lúc nước yếu. Riêng các xã Phước Hà và Nhị Hà nếu Hồ Tân Giang hết nước sẽ bổ sung nguồn từ nhà máy cấp nước Hữu Đức lên cung cấp cho người dân.

Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình, các chủ trương, giải pháp của huyện trong công tác ứng phó với hạn và tác động của biến đổi khí hậu; phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân cùng tham gia, chủ động ứng phó với hạn, bảo đảm theo nguyên tắc: Chỉ đạo các địa phương rà soát nắm bắt tình hình kịp thời, không để người dân bị thiếu đói do hạn gây ra. Việc sử dụng nước phải ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phục vụ cho chăn nuôi đàn gia súc, nước tưới cho các cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao. Khuyến cáo nhân dân không sản xuất lúa ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước; đồng thời phổ biến các mô hình sản xuất hay, cách làm hiệu quả. Không để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tận dung phụ phẩm sau khi thu hoạch của vụ đông-xuân, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, triển khai công tác tiêm phòng bắt buộc trên đàn gia súc, gia cầm. Duy trì thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi. Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăm sóc đàn gia súc khi nắng hạn cũng như khi bắt đầu có mưa. Tổ chức cảnh báo cháy rừng, ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra cháy rừng; khi xảy ra cháy rừng phải thông báo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền để huy động lực lượng, phương tiện triển khai phòng, chống cháy rừng.