Nâng tầm thương hiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh

Năm 2019, công tác phát triển sản phẩm đặc thù từ khâu hỗ trợ xây dựng đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng hệ thống quản lý đến khâu quảng bá, tham gia xúc tiến thương mại được các thành viên Ban Phát triển các sản phẩm đặc thù tỉnh quan tâm thực hiện đạt được nhiều kết quả. Qua đó, đã nâng tầm thương hiệu, khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Nổi bật là việc hỗ trợ toàn diện trong xây dựng hệ thống VietGAP cho các hợp tác xã nông nghiệp (HTX), tổ hợp tác, góp phần đưa sản phẩm đặc thù từng bước khẳng định vị thế trên thị trường. Đến nay, 13 HTX và tổ hợp tác được hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn để đáp ứng điều kiện sản phẩm hàng hóa.

Cừu là trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh được hỗ trợ phát triển.

Công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đối với sản phẩm đặc thù của tỉnh có chuyển biến tích cực, xuất hiện các mô hình mới, như: Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến; Trang trại Sun and Wind của Công ty Cổ phần Nắng và Gió chuyên sản xuất măng tây xanh, nho, táo, dưa lưới chất lượng cao. Thực hiện Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 11-2-2019 sửa đổi một số nội dung Đề án Chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng, các địa phương hỗ trợ, xây dựng 31 chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, đáng kể là chuỗi nho của HTX Evergreen; chuỗi nho của HTX Thái An; chuỗi nho của HTX Phước Thuận; chuỗi măng tây xanh của Công ty TNHH nông nghiệp Tiên Tiến với HTX Châu Rế và HTX Tuấn Tú; chuỗi măng tây xanh của Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận với HTX An Xuân và HTX Lợi Hải; chuỗi dê cừu Triệu Tín đã tạo đột phá thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận nâng cao chất lượng sản xuất măng tây xanh góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh.  Ảnh: Văn Nỷ

Hoạt động hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc thù trong năm qua có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành với quyết tâm cao. Trong đó, ngành Công Thương triển khai thực hiện nhiệm vụ tìm đầu ra cho sản phẩm của tỉnh đã từng bước khẳng định được vai trò, nhiệm vụ của ngành trong việc hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tìm kiếm và kết nối thị trường từng bước phát triển. Từ đó, giúp các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu khách hàng, người tiêu dùng để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời, đánh giá chính xác xu hướng thị trường, nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó làm căn cứ xây dựng định hướng, chiến lược đúng đắn trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá cả cạnh tranh với hàng hóa cùng chủng loại, phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng, giúp mở rộng thị trường, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản; xây dựng mô hình ứng dụng điện năng lượng mặt trời trong phơi sấy, chế biến thực phẩm; xây dựng mô hình đổi mới hệ thống thông gió áp dụng sản xuất sạch cho các doanh nghiệp cũng được quan tâm thực hiện. Cụ thể, ngành Công Thương đã hỗ trợ xây dựng nhà xưởng chế biến nha đam cho Công ty Cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt; phát triển thương hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm cho HTX Xuân Hải; xây dựng nhà sơ chế, bảng hiệu cho HTX Châu Rế; máy cắt, sàn phơi làm trà măng tây xanh cho nhóm phụ nữ thành viên HTX Tuấn Tú.

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Ban Phát triển các sản phẩm đặc thù tỉnh, cho biết: Năm 2020, nhiệm vụ của ban tăng thêm, vừa hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc thù, vừa hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP (mỗi huyện một sản phẩm). Để hoàn hoàn mục tiêu đề ra, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, đi sâu vào nội dung ứng dụng tem thông minh của đề án Truy xuất nguồn gốc 12 sản phẩm đặc thù và mở rộng đối với các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, phát triển thị trường, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản; xây dựng 3 điểm bán sản phẩm OCOP và đặc thù của tỉnh.