Chỉ thị của Tỉnh ủy: Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong triển khai các giải pháp phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh

Ngày 7-2-2020, Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong triển khai các giải pháp phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

Theo số liệu tổng hợp của các cơ quan chức năng, tổng lượng mưa trong mùa mưa năm 2019 trên địa bàn tỉnh đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 40-60%; tính đến đầu tháng 2-2020, dung tích nước của 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 65 triệu m3 nước, tương ứng 33% dung tích thiết kế, trong đó có một số hồ chứa xấp xỉ hoặc thấp hơn mực nước chết. Đồng thời, theo dự báo do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO nghiêng về pha nóng nên dự báo trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trên diện rộng; đồng thời có khả năng bị ảnh hưởng do hiện tượng xâm nhập mặn khu vực ven biển, vùng hạ lưu ven sông …

Kênh mương khô cạn nước ở xã Phước Nam (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Để chủ động ứng phó với tình hình trên, Ban Thường vụ tỉnh ủy cơ bản thống nhất Kế hoạch ứng phó hạn năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh cần thấy năm 2020 cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp; phải xác định nhiệm vụ phòng, chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu với tinh thần chủ động, khẩn trương, huy động cả hệ thống chính trị nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra; trong đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn...và cháy rừng trên địa bàn tỉnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia công tác phòng, chống hạn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động dự trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giữ gìn vệ sinh nguồn nước. Tăng cường đi cơ sở kiểm tra tình hình để kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước…và phòng, chống cháy rừng.

2. Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai kế hoạch phòng, chống hạn với mục tiêu “không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”.

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và nguồn nước để kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp quản lý, điều tiết, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và ổn định đời sống cho người dân; nghiên cứu tổ chức các hoạt động, phong trào nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về dự trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giữ gìn vệ sinh nguồn nước. Trong điều kiện xảy ra nắng hạn gay gắt, nghiêm trọng cần tập trung ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc, gia cầm gắn với xem xét tạm dừng việc triển khai các hoạt động chưa thật sự cần thiết để tiết kiệm nước.

- Huy động tối đa các nguồn lực, nhất là phát huy hết các nguồn lực tại chỗ, đồng thời tranh thủ, sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Trung ương cho công tác phòng, chống hạn; chủ động, thường xuyên rà soát, có phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng hạn, nhất là hỗ trợ gạo cứu đói, nước sinh hoạt, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn cho gia súc, gia cầm…; tuyệt đối không để hộ dân nào bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt.

- Tiếp tục chủ động làm việc và phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để duy trì lưu lượng xả nước hồ Đơn Dương theo từng thời kỳ, thời điểm cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Chỉ đạo tổ chức nạo vét, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, phát dọn, vệ sinh, khơi thông dòng chảy các kênh mương, công trình thủy lợi, ao, giếng... hiện có nhằm tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất; đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các công trình, dự án đầu tư về thủy lợi, cấp nước sinh hoạt... đã có chủ trương đầu tư; nghiên cứu, có kế hoạch đầu tư mới một số ao, giếng ở một số địa phương thường xuyên hạn, thiếu nước.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát vệ sinh dịch tễ gắn với chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống các loại dịch, bệnh thường xuyên xảy ra trên người và vật nuôi nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng, nhất là kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng nước sinh hoạt, tiêm phòng và thu gom, xử lý triệt để các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, rác thải, xác động vật chết...

- Có phương án và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân di chuyển đàn gia súc đến nơi có nguồn thức ăn, nước uống khi cần thiết; tăng cường nghiên cứu và triển khai các giải pháp tận thu phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, trồng cỏ và một số cây trồng khác để làm thức ăn cho gia súc.

- Chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch gieo trồng phù hợp với tình hình hạn, thiếu nước; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kể cả khu vực thiếu nước, khu vực đủ nước tưới và vùng sản xuất lúa tưới bằng hệ thống bơm động lực... trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng cường áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm, bền vững, lâu dài, ổn định, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, có phương án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng một số loại cây trồng cạn, cây ăn quả lâu năm, cây đặc sản sử dụng tiết kiệm nước, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống cháy rừng, với phương châm “phòng là chính”; nghiêm cấm những người không có nhiệm vụ vào rừng, hoặc có hành vi mang vật liệu dễ cháy nổ vào rừng nhằm hạn chế khả năng xảy ra tình trạng cháy rừng; chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.

3. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát về công tác triển khai phòng, chống hạn, thiếu nước và cháy rừng trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy để kịp thời chỉ đạo.

4. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, hội quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tích cực tham gia phòng, chống hạn, thiếu nước và cháy rừng; giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác phối hợp giám sát việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

5. Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước và cháy rừng trên địa bàn trong thời gian tới. Đồng thời, duy trì chế độ giao ban định kỳ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để kịp thời chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn và cháy rừng, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đồng chí Bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình hình phòng chống hạn, thiếu nước trên địa bàn và thuộc lĩnh vực phụ trách.

6. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy chủ trì phối hợp Ban Dân vận tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chủ động phòng, chống hạn và thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống hạn của cơ quan chức năng; định hướng các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy và tình hình tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị; tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin và kịp thời phát hiện, tuyên truyền và phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác phòng, chống hạn, cháy rừng, xâm nhập mặn… trên địa bàn tỉnh.

7. Đảng ủy Quân sự, Biên phòng, Công an tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch và chủ động bố trí lực lượng tham gia hỗ trợ các địa phương, nhất là các địa bàn xung yếu trong công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, cháy rừng... gắn với tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội ở những vùng xảy ra hạn hán.

8. Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và định kỳ hàng tháng báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

Chỉ thị này được quán triệt đến các chi bộ và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.