Du lịch Việt Nam ngày càng có chỗ đứng cao trong khu vực và quốc tế

Du lịch hiện đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp hiệu quả cho công cuộc dựng xây đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của đất nước trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Mới đây, Tổ chức Du lịch Thế giới Liên hợp quốc (UNWTO) công bố danh sách 20 quốc gia có sự phát triển du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019, Việt Nam vinh dự nằm trong danh sách này.

Đất nước của những di tích, danh thắng

Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn về du lịch. Ngoài những di sản thế giới như: Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Tràng An, thành nhà Hồ, Hoàng Thành Thăng Long… Việt Nam còn thu hút khách du lịch nước ngoài với hàng loạt địa điểm du lịch sinh thái kéo dài khắp ba miền Tổ quốc. Đó là các hệ sinh thái biển (Phú Quốc-Kiên Giang, Nha Trang-Khánh Hòa, Mũi Né-Bình Thuận, Đà Nẵng…); hệ sinh thái sông hồ (Khoang Xanh Suối Tiên, Ao Vua…); hệ sinh thái rừng (vườn quốc gia Ba Bể, Bái Tử Long, Ba Vì, Cát Bà…) hay hệ sinh thái hang động (Tam Cốc Bích Động, Tràng An…).

Đặc biệt, với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tài nguyên du lịch nhân văn của Việt Nam cũng rất phong phú. Trong số 40.000 di tích lịch sử trên khắp miền đất nước, có khoảng 3.000 di tích đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng. Có thể kể đến một số di tích nổi bật như: Cố đô Hoa Lư, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Đền Hùng, Dinh Độc Lập…

Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) - điểm du lịch thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ảnh: V.M

Thêm vào đó, những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý kinh tế và chính trị của Việt Nam cũng là yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, lãnh thổ Việt Nam vừa gắn liền với lục địa vừa thông ra đại dương, có vị trí giao lưu quốc tế thuận lợi cả về đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và hàng không. Đây là tiền đề rất quan trọng trong việc mở rộng và phát triển du lịch quốc tế.

Ngoài những lợi thế trên, Việt Nam còn là nước có chế độ chính trị ổn định, có nguồn nhân lực dồi dào. Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại trong đó có du lịch phát triển. Đặc biệt, việc Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng là một yếu tố thuận lợi phát triển ngành công nghiệp “không khói”. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, sự thân thiện của con người cũng đã góp phần tạo nên sức hút đặc biệt của Việt Nam.

Tạo lực cho ngành công nghiệp “không khói”

Phát huy lợi thế trên, trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều chủ chương, chính sách, chiến lược nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Luật Du lịch... Cùng với đó, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch như Pháp lệnh xuất, nhập cảnh, cư trú, đi lại cho người Việt Nam, cho người nước ngoài và các văn bản liên quan khác được bổ sung; thủ tục hải quan được cải tiến thuận tiện hơn. Việc miễn visa cho công dân các nước cũng là giải pháp chủ động, tích cực để thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư.

Đặc biệt, ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhằm đưa Việt Nam vào nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu. Tiếp đó, ngày 5-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 là quốc gia có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á, đón và phục vụ 30-32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa, với tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD; Giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD; Ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP và tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp, với 70% được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng du lịch.

Thực hiện mục tiêu này, ngày càng nhiều địa phương, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… tăng cường quản lý điểm đến, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn và vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và góp phần cùng cả nước phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng du lịch cũng được chú trọng đầu tư và có bước phát triển tích cực. Nhiều tập đoàn, công ty, nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế đã tăng cường đầu tư xây dựng những khách sạn, những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, tổ hợp vui chơi giải trí cao cấp và những công trình du lịch hiện đại, trực tiếp góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. tính đến cuối tháng 12-2019, ước tính cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 buồng. Về hệ thống doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên, cả nước có 2.648 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 26.854 hướng dẫn viên, trong đó có 17.038 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 9.129 hướng dẫn viên du lịch nội địa, 687 hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Công tác quản lý nhà nước ngày càng được tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, từ quản lý hoạt động lữ hành, vận chuyển khách, hướng dẫn du lịch, quản lý khu, điểm du lịch và phát triển sản phẩm, cho tới kiểm soát, nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch, bảo vệ môi trường du lịch. Hoạt động xúc tiến, quảng bá được đổi mới, tăng cường cơ chế hợp tác công-tư, huy động được nhiều nguồn lực cho công tác xúc tiến, quảng bá ở trong và ngoài nước. Hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, vừa tăng cường hợp tác nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam, vừa góp phần thu hút khách từ các thị trường trọng điểm.

Việt Nam luôn nằm trong danh sách những địa điểm du lịch đáng chú ý đối với khách du lịch quốc tế

Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng. Từ dấu ấn 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa năm 2016, đến năm 2019 các con số này đã tăng lên đáng kể, lần lượt là 18 triệu và 85 triệu. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt hơn 720.000 tỷ đồng.

Với tốc độ tăng trưởng khách quốc tế bình quân khoảng 22% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015-2019, Việt Nam liên tục nằm trong tốp những quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới. Cũng trong giai đoạn này, chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc từ 75/141 năm 2015 lên 63/140 năm 2019. Trong đó, các chỉ số về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới.

Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong danh sách những địa điểm du lịch đáng chú ý đối với khách du lịch quốc tế. Năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam vinh dự được nhận 2 giải thưởng tầm thế giới là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 do World Travel Awards trao tặng và Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019 do World Golf Awards trao tặng. Cùng với đó là các giải thưởng tầm khu vực bao gồm: Điểm đến hàng đầu châu Á hai năm liền 2018-2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019. Ngoài ra hàng chục giải thưởng quốc tế danh giá cũng đã được trao cho các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, resort và các công trình, điểm du lịch của Việt Nam.

Trong danh sách 20 quốc gia có sự phát triển du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019 do Tổ chức Du lịch thế giới Liên hợp quốc (UNWTO) vừa công bố, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 với lượng khách tăng 16,2%. Cụ thể, khách đến Việt Nam bằng đường hàng không tăng 15,2%; bằng đường bộ tăng 20,4%; bằng đường biển tăng 22,7%. Khách đến từ châu Á chiếm 79,9% tổng số khách quốc tế, tăng 19,1% so với năm 2018. Khách đến từ châu Âu tăng 6,4%; khách đến từ châu Mỹ tăng 7,7%; khách đến từ châu Phi tăng 12,2%.

Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đạt chỉ tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, toàn ngành đã triển khai các giải pháp thu hút khách quốc tế và chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời khi cần thiết.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona đang lan rộng, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh. Tổng cục Du lịch nhận định, sự bùng phát của dịch bệnh do chủng mới của virus Corona được dự đoán sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đối với du lịch Việt Nam, nhất là sự sụt giảm nặng nề lượng khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc (hiện đang chiếm khoảng trên 30% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam). Theo đó, ngành du lịch đã đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể về thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch, truyền thông, chính sách hỗ trợ cấp bách và lâu dài. Trong đó, về thị trường, Tổng cục Du lịch cho rằng cần đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ...; tăng cường truyền thông và triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến tại thị trường Trung Quốc sau khi công bố hết dịch. Mặt khác, toàn ngành cần thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa.

Về giải pháp về chính sách hỗ trợ cấp bách và lâu dài, Tổng cục Du lịch đề xuất cần khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại; đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép giảm thuế, giãn thuế, chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp du lịch (lữ hành, lưu trú, vận chuyển…); đề nghị Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu...