Linh hoạt thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn

Trước tình hình thời tiết diễn biến theo chiều hướng không có lợi, ngày 9-1, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND về ứng phó với hạn hán năm 2020 trên địa bàn tỉnh với tinh thần: Không để thiếu nước sinh hoạt, không để phát sinh dịch bệnh, tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 5-2, lượng nước ở 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh ở mức 65,72 triệu m3, chiếm 33,8% tổng dung tích thiết kế, thấp hơn đợt hạn hán năm 2016 là 3%. Hồ Đơn Dương mực nước ở cao trình 1.038,04 m, tương đương dung tích 129,37 triệu m3, đạt 78,4% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 là 9,5%. Dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng ở khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục kéo dài, tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ nhiều khả năng xảy ra.

Nông dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) trồng đậu xanh trên vùng đất canh tác lúa thiếu nước. Ảnh: Hồng Lâm

Không để thiếu nước sinh hoạt

Trước tình hình thời tiết diễn biến theo chiều hướng không có lợi, ngày 9-1, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND về ứng phó với hạn hán năm 2020 trên địa bàn tỉnh với tinh thần: Không để thiếu nước sinh hoạt, không để phát sinh dịch bệnh, tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn rà soát, kiểm tra cụ thể từng hệ thống cấp nước nông thôn do đơn vị quản lý, đảm bảo cấp nước sinh hoạt trong mùa khô hạn năm 2020.

Qua rà soát, kiểm tra, tại thời điểm hiện nay nguồn nước ở các hồ, đập đủ cung cấp cho 19 nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, nếu trời tiếp tục không có mưa dự báo đến tháng 4 một số vùng sẽ thiếu nước sinh hoạt. Lường trước những khó khăn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã xây dựng phương án cấp nước sinh hoạt đối với các hệ thống có khả năng bị thiếu nước. Nhà máy cấp nước Phước Thành (Bác Ái) sử dụng nguồn nước suối Lạnh hiện tại đủ cung cấp cho nhà máy đến hết tháng 4. Trong trường hợp không có lũ tiểu mãn, nguồn nước sẽ hết, phương án ứng phó với hạn hán Trung tâm đề xuất là kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh khẩn trương hoàn thành Dự án đấu nối mở rộng hệ thống cấp nước Phước Đại - Phước Thành để đảm bảo nguồn nước thô liên tục cho nhà máy. Nhà máy cấp nước Mỹ Tường sử dụng nguồn nước kênh Bắc và hồ Nước Ngọt, hiện nay lượng nước ở hồ còn 1 triệu m3, trường hợp nước trong hồ xuống mực nước chết sẽ bổ sung nguồn nước từ Hệ thống cấp nước Phương Cựu. Những nhà máy cấp nước còn lại cũng được tính toán bổ sung nguồn nước từ những nơi khác đến.

Điều tiết nước hợp lý đảm bảo sản xuất có hiệu quả

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chủ động điều tiết nước các hồ chứa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Hồ Trà Co (Bác Ái). Ảnh: H.P.

Nắng hạn cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông-xuân 2019- 2020, dự báo gặp khó khăn về nước tưới. Ngay đầu tháng 1, các hộ ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) đã phải đào thêm giếng khai thác nước ngầm mới đủ tưới cho cây nho, 350 ha lúa ở vùng cuối kênh Bắc thuộc địa bàn xã Bắc Sơn (Thuận Bắc), thôn Phương Cựu (Ninh Hải). Các vùng chuyển đổi cây trồng ở khu vực hồ Phước Nhơn (xã Phước Trung, Bác Ái), hồ Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) cũng ở trong tình cảnh tương tự. Đồng chí Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, cho biết: Nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất vụ đông-xuân, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi trong quá trình điều tiết nước của nhà máy theo kế hoạch đã được thống nhất tại biên bản cuộc họp vào ngày 20-1, với lưu lượng chạy máy trung bình từ 12-14m3/s để cung cấp nhu cầu ở hạ lưu trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp lượng nước chạy máy phát điện thấp, khu tưới của Đập dâng Nha Trinh, Lâm Cấm thiếu hụt nước, đơn vị chủ động điều tiết nước từ hồ Sông Sắt (Bác Ái) về bổ sung và điều tiết nước từ hồ Bà Râu (Thuận Bắc) về bổ sung cho vùng cuối kênh Bắc thông qua kênh dẫn Trạm bơm Xóm Bằng. Cụ thể, để bổ sung nguồn nước thô cho Nhà máy nước Tháp Chàm và cứu 350 ha lúa thiếu nước, từ ngày 22-1 đến ngày 4-2, đơn vị đã điều tiết nước từ hồ Sông Sắt bổ sung cho hệ thống đập Nha Trinh-Lâm Cấm, tổng lưu lượng 6,5 triệu m3; từ ngày 27-1 đến ngày 4-2 điều tiết nước từ hồ Bà Râu bổ sung cho vùng cuối kênh Bắc với tổng lưu lượng 0,3 triệu m3.

Cũng theo đồng chí Phạm Ngọt, đơn vị đang chuẩn bị tốt các điều kiện, bố trí nhân lực để tiếp nhận tạm thời các hạng mục công trình Đập dâng Tân Mỹ và tuyến ống kênh chính Tân Mỹ, đoạn K1 đến K21 để chủ động đưa nước cấp cho hồ Phước Trung, Phước Nhơn, Thành Sơn, vùng cuối kênh Bắc là những nơi chịu ảnh hưởng lớn của hạn hán. Đối với hệ thống các kênh phân phối nước, đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng điều tiết nước cụ thể cho từng tuyến kênh, tập trung vận hành điều tiết “Tưới luân phiên”, đảm bảo cung cấp nước hiệu quả, tiết kiệm, không để xảy ra tình trạng thiếu nước làm giảm năng suất cây trồng.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tin tưởng tỉnh ta sẽ vượt qua khó khăn, thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để cuộc sống của người dân bị xáo trộn.