“Bà đỡ” của sinh viên nghèo

Chương trình cho vay hỗ trợ HS, SV không chỉ giúp san sẻ bớt khó khăn cho các gia đình, giúp những HS nghèo hiếu học không phải từ bỏ ước mơ…, mà còn tạo điều kiện cho HS, SV đang theo học tại các trường yên tâm học tập, để trở thành người có ích, giúp đỡ gia đình, xây dựng quê hương.

“Nhờ có chính sách cho vay hỗ trợ sinh viên, nếu không chắc vợ chồng tôi cũng khó lo nổi cho cả 2 con vào đại học, cao đẳng…”, đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Minh Thạch, một nông dân trồng nho ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Anh Thạch hiện có 3 con đang đi học, trong đó 2 cô con gái đầu đều cùng học trung cấp và đại học. Gia đình làm nông, thu nhập dựa vào mùa vụ trong khi mọi khoản chỉ phí: tiền trường, tiền nhà, tiền sinh hoạt của con ở Tp.Hồ Chí Minh đều phải chu cấp đều đặn mỗi tháng trung bình 1,5 triệu đồng/người. Số tiền đó đối với một gia đình nông dân quả là không mấy dễ dàng. Từ năm 2008, Ngân hàng Chính sách Xã hội có chương trình cho học sinh, sinh viên (HS, SV) vay vốn, con gái anh được vay 4 triệu đồng/học kỳ - một số tiền không nhỏ để hỗ trợ cho việc học tập và sinh hoạt ở thành phố. Hiện nay, con gái đầu của anh Thạch đã tốt nghiệp trung cấp kế toán, con gái thứ 2 cũng đang được hưởng chương trình vay hỗ trợ SV để học đại học.

Nhờ Chương trình vay hỗ trợ, nhiều sinh viên nghèo thực hiện được ước mơ của mình,
đóng góp nguồn nhân lực cho quê hương.

Hai con gái của anh Nguyễn Minh Thạch chỉ là trong số hàng ngàn SV nghèo của tỉnh ta nói riêng và của cả nước nói chung được hưởng chương trình vay hỗ trợ. Riêng ở tỉnh ta, tính đến năm 2010, Chương trình cho HS, SV vay đạt 92.246 triệu đồng, với tổng số 20.403 HS, SV được vay vốn để trang trải chi phí học tập. Trong 3 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức cho vay tối đa đối với HS, SV tăng từ mức 800.000 đồng/tháng lên 860.000 đồng/tháng và lên 900.000 đồng/tháng. Mức lãi suất cho vay là 0,5%/tháng, thấp hơn so với mức lãi suất cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (0,65%/tháng). Điều này đã tạo điều kiện cho rất nhiều SV có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập, nhiều gia đình khó khăn cũng bớt đi phần nào nỗi lo toan, nhọc nhằn khi phải chạy từng bữa lo tiền trang trải học tập cho con. Với những gia đình đông con, cùng lúc có 2, 3 con học đại học, cao đẳng thì nguồn vay hỗ trợ thật sự là một nguồn động viên đáng quý. Chị Phạm Thị Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mỹ Phong, xã Thanh Hải (Ninh Hải) cho biết: “Hàng năm, số con em ở địa phương đỗ vào các trường đại học, cao đẳng khá cao, trong đó có nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn, đặc biệt những nhà có đến 4 hoặc 5 đứa con cùng đi học. Chương trình cho vay hỗ trợ HS, SV không chỉ giúp san sẻ bớt khó khăn cho các gia đình, giúp những HS nghèo hiếu học không phải từ bỏ ước mơ…, mà còn tạo điều kiện cho HS, SV đang theo học tại các trường yên tâm học tập, để trở thành người có ích, giúp đỡ gia đình, xây dựng quê hương.

Em Hồ Thanh Ân, SV Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nhà em có 4 chị em đều đang đi học, chi phí học tập, sinh hoạt của em ở thành phố trung bình một tháng hết 2 triệu, nếu không có khoản vay hỗ trợ thì ngoài việc ba mẹ phải vất vả làm thuê em cũng phải lo vừa học, vừa đi làm, không thể tập trung học tốt”. Hoàn cảnh gia đình của Nguyễn Thị Lân, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, hiện đang dạy học tại Tp.Hồ Chí Minh cũng cũng khá khó khăn: cha mẹ già yếu nên năm đầu đại học, Lân rất vất vả vì phải vừa học, vừa làm. Từ năm 2008, được vay hỗ trợ chi phí học tập của Ngân hàng CSXH, Lân đã yên tâm đầu tư cho việc học hơn, nhờ đó thành tích học tập tốt, ra trường có được việc làm ngay và có thể tích cóp để trả nợ.

Chị Trần Thị Bụi và anh Ta In Ná, ở Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) hiện cũng đang có 3 con đang đi học, trong đó 2 cô con gái lớn của anh chị là Trần Thị Loan đang học ở Đà Lạt và Trần Thị Lũy đang học ở Tp.Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, anh chị phải gửi cho mỗi con 2 triệu đồng tiền học tập, chi tiêu trong cuộc sống. Khoản tiền 4 triệu đồng mỗi tháng cho con học đại học không hề nhỏ đối với một gia đình làm nông như anh chị. Chính vì vậy, nguồn vay từ chương trình hỗ trợ HS, SV thật sự là một nguồn động viên quý giá. Với giá cả thị trường hiện nay, khoản tiền vay hỗ trợ có thể chỉ đáp ứng được một phần trang trải chi phí học tập, cuộc sống, đặc biệt với SV đang học tập tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, nó thật sự là “bà đỡ” cho những HS, SV khó khăn, là nguồn đầu tư đúng đắn của Nhà nước cho thế hệ trẻ, những người kế cận tương lai.