Nồng nàn hương trúc

Từ bao đời nay, cây trúc miệt An Giang vẫn âm thầm tương trợ những món ngon Việt - Khmer thêm thăng hoa hương vị.

Tất nhiên, trúc dùng làm cần câu không thể tỏa hương. Nhưng có một giống trúc thuộc họ cây có múi, mọc hoang ở An Giang và các huyện giáp giới thuộc Campuchia ẩn chứa bao kỳ diệu.

Giống đặc hữu

Cây trúc trưởng thành cao to như những cây chanh, cam, bưởi.... Lá và trái trúc có hương vị rất đặc biệt, kích thích mạnh khứu giác và dịch vị người ăn, giúp khử tanh những món chứa độ đạm cao như bò, gà, lươn, rắn... và trợ tiêu hóa. Lá trúc thơm hăng nồng vị chua the vừa giống hương vị lá chanh hay bưởi non vừa giống tinh dầu lá cà ri tươi. Hình dáng lá trúc cũng tựa lá bưởi.

Trái trúc còn ấn tượng hơn, nó tròn, to hơn trái chanh, vỏ xù xì, chứa nhiều nước, vị chua thanh hậu the the và thơm nồng nàn hơn cả chanh giấy. Ông Chau Thun, phó bí thư Đảng ủy xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cho biết cây trúc hiện chỉ còn rải rác ở một số xã có đông người Khmer sinh sống, thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Từ xa xưa, đồng bào Khmer ở đây đã biết trồng trúc để ăn trái và lấy lá làm thuốc.

Cây trúc dễ trồng, sống rất khỏe, chịu hạn giỏi và cho trái quanh năm. Phổ biến nhất là họ dùng nước trái trúc pha trộn trong các món ăn như gỏi, canh, kho... Trong đó, độc đáo nhất là nước cốt trúc góp phần làm cho hương vị tô cháo bò thêm quyến rũ. Ngoài ra, không ít phụ nữ Khmer còn dùng trái trúc để gội đầu cho tóc mượt mà và không bị gàu. Hơn 20 năm trước, các lão nông Khmer ở đây đã biết cách dùng nước cốt trúc rơ miệng cho những con bò bỏ ăn vì bị bệnh đẹn ở lưỡi. Hoặc họ giã giập lá trúc, vùi xuống ao hồ để khử khuẩn, giúp cá mau lớn. Do vậy, một số bà con nông dân ở đây hiện đang trồng mới và bảo tồn những cây trúc cổ thụ để lấy lá bán cho các nhà hàng.

Hương gây mùi nhớ

Nhờ những đặc tính kể trên nên có khoảng 15 hàng quán lớn ở vùng Bảy Núi, thị xã Châu Đốc và TP.Long Xuyên, An Giang đã dùng lá và trái trúc chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng như lươn, ếch xào lá trúc, gà ta hấp lá trúc, cá lóc hấp lá trúc... Trong đó, “danh bất hư truyền” có thể kể đến món cháo bò Tri Tôn. Thế nên, dân sành điệu nhận định rằng, bạn về Tri Tôn ăn cháo bò mà thiếu trái trúc thì mất hết hứng thú. Nước cốt trái trúc thơm nồng đậm và lan tỏa khiến bạn mới nghe đã rạo rực, thèm ăn đến khó cưỡng. Đành rằng, thịt và lòng bò Tri Tôn thơm ngọt do dân Khmer An Giang có bí quyết nuôi vỗ béo riêng. Song chính hương vị trái trúc đã tạo nên hương sắc cho tô cháo bò ở đây.

Gần 1 tháng nay, trên đường Hà Huy Giáp đoạn gần ngã ba Chợ Đường, Q.12, TP.HCM đã xuất hện một quán có bán các món ăn kèm với lá trúc như gà ta hầm, rắn nước hầm. Tò mò, chúng tôi cũng ghé ăn thử. Mặc dù, lá trúc ở đây không thật tươi như ở An Giang, do phải nhập từ hướng Mộc Bài, nhưng đã tạo ấn tượng khó phai.

Quả thật mùi lá trúc rất đượm, át cả mùi sả tươi. Nước trong nồi gà hầm lá trúc mới sôi, đã dậy mùi thơm hăng nồng đặc trưng. Kỳ lạ thay, khi nghe mùi lá trúc tỏa ra thì khứu giác thực khách bỗng tinh thông hơn, giống như mới được xông hơi và cảm giác thèm ăn cũng ào ạt kéo đến

Theo Thanh niên