Đôi vợ chồng khuyết tật nỗ lực thoát nghèo

Chúng tôi tình cờ gặp anh Trương Sơn Phiên đang dùng đôi tay thay chân nhích từng bước gom chà bổi ven tỉnh lộ 703 nóng bỏng nắng trưa. Anh đốt rác làm vệ sinh tuyến đường nối liền giữa Tháp Chàm đến thị trấn Phước Dân chuẩn bị đón mừng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tự nguyện dọn dẹp rác thải và nỗ lực làm ăn vươn lên thoát nghèo là phẩm chất đáng quý của đôi vợ chồng khuyết tật Trương Sơn Phiên và Trương Thị Loan.

Chúng tôi tìm đến thăm gia đình anh Phiên ở giữa thôn Trường Thọ thuộc xã Phước Hậu (Ninh Phước). Ít ai ngờ sau dáng vẻ “bụi bặm” bươn chải lo toan với cuộc sống ấy, đôi vợ chồng Trương Sơn Phiên đã từng đoạt nhiều thành tích cao trong các giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc. Giữa phòng khách ngôi nhà xây cấp bốn của đôi vợ chồng khuyết tật treo nhiều bằng khen và huy chương vàng, bạc, đồng. Chúng tôi lấy làm xúc động khi nghe ba mẹ anh Phiên kể về cuộc đời của người con trai khuyết tật nuôi ý chí nỗ lực lao động, vượt khó vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Sinh năm 1974, khi vừa tròn 4 tuổi, Phiên mắc bệnh sốt bại liệt. Đôi chân khoẻ mạnh tròn đầy của anh ngày càng teo dần. Ba mẹ cố công chạy chữa nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã ràng buộc tuổi thơ trong trẻo của anh với chiếc xe lăn. Không được diễm phúc đến trường học tập như những bạn bè cùng trang lứa trong xóm nhưng anh đã tự học. Phiên xin sách cũ của trẻ em trong xóm rồi nhờ các anh chị chỉ cho biết đọc, biết viết. Anh nói: Mình đã thiệt thòi về thân thể thì phải cố học cho biết chữ để mở mang kiến thức. Nếu không biết chữ thì học nghề gì cũng khó khăn. Do đó, em phấn đấu tự học đọc thông viết thạo tiếng Việt và giải được các bài toán phổ thông bậc tiểu học. Em coi đây là vốn liếng lận lưng để bươn chải tự lập trong cuộc sống nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Muời bảy tuổi, Trương Sơn Phiên rời nhà ở Trường Thọ về Xóm Lở thuộc phường Bảo An (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) học nghề thợ thiếc. Sau ba năm theo thầy gò lưng với chiếc búa hòn đe, anh ra nghề trở thành người thợ mẫn cán, khéo tay. Anh có thể gò hàn từ chiếc thùng vòi hoa sen để tưới cây đến chiếc bình lắc tay bơm thuốc trừ sâu. Giữa năm 1994, Phiên trở về thôn Trường Sanh mở tiệm làm đồ thiếc tự lập mưu sinh. Người thợ thiếc trẻ tuổi khuyết tật nhưng rất khéo tay làm hàng chắc chắn, bền đẹp. Tiếng lành đồn xa, bà con nông dân các xã Phước Hậu, Phước Thái đặt hàng cho Phiên làm không kịp nghỉ tay.

Đôi vợ chồng khuyết tật nỗ lực làm ăn vươn lên thoát nghèo, nuôi con học hành chu đáo.

Cuộc sống xã hội ngày càng phát triển khi hàng nhựa ra đời với nhiều mẫu mã đẹp, máy bơm nước sử dụng phổ biến ở nông thôn, xoong nhôm sản xuất công nghiệp giá rẻ. Nghề thợ thiếc đang độ ăn nên làm ra của Phiên cũng chỉ tồn tại vài ba năm rồi cũng phải ray rứt nói lời từ biệt. Dành dụm được chút ít vốn liếng, anh mua sắm đồ nghề rồi qua học nghề vá ép xe hon đa. Phiên lăn xe lên xã Nhị Hà rồi xuôi xuống xã Phước Hải vá xe kiếm sống qua ngày. Khi đang ngồi vá xe cho khách mà có giấy gọi tập trung luyện tập thi đấu thể thao là Phiên dẹp đồ nghề đi ngay. Thời trai trẻ anh là vận động viên đội tuyển tỉnh Ninh Thuận tham dự hội thi thể thao giành cho người khuyết tật toàn quốc, đoạt nhiều thành tích cao ở bộ môn ném lao, cử tạ.

Trong lần vô tham gia thi đấu tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2006, anh Phiên gặp cô Trương Thị Loan quê ở Nha Trang là vận động viên bộ môn cử tạ tỉnh Khánh Hòa. Chị xuất sắc đoạt Huy chương Vàng bộ môn cử tạ hạng cân 70 kg dành cho người khuyết tật. Đôi vận động viên khuyết tật thành hôn chung tay xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, anh chị có hai con chăm ngoan, học giỏi. Hàng ngày, anh chạy xe máy ba bánh qua thị trấn Phước Dân nhận vé số xuống Phan Rang bán cho khách vui chơi khu vực Quảng trường 16 Tháng 4. Trên đường đi thấy có rác do người dân đổ bừa bãi dọc tỉnh lộ 703, anh gom lại đốt. Gặp chai nhựa hoặc vỏ lon nước giải khát, anh lượm bỏ vô bao chở về nhà dành dụm bán mua sách vở học tập cho con. Buổi sáng, chị Trương Thị Loan dùng xe ba bánh chở hai con đến trường và lo việc nội trợ gia đình. Buổi chiều, chị nướng bánh tráng hành bán cho trẻ em trong xóm. Với tinh thần nỗ lực lao động của đôi vợ chồng khuyết tật Trương Sơn Phiên đã giúp gia đình anh chị vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo. Chị Trương Thị Loan được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập và lao động, giai đoạn 2007- 2009.

Ông Huỳnh Minh Trọng, Trưởng Ban quản lý thôn Trường Sanh cho biết: Đôi vợ chồng khuyết tật Trương Sơn Phiên đã nỗ lực làm ăn vươn lên thoát nghèo theo tiêu chí mới, bảo đảm ổn định cuộc sống gia đình. Đồng thời được sự chung tay tiếp sức của các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện và nhân dân xã Phước Hậu thông qua chương trình Vượt lên chính mình giúp gia đình anh cải thiện nhà ở, có thêm điều kiện làm ăn, nuôi con học hành.