Tết xưa và nay

Tết không chỉ là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Tết còn chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng sâu sắc, độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc. Tự bao giờ, Tết nguyên đán đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt bởi nó là thời điểm linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu cho một mùa xuân tràn trề nhựa sống, vạn vật sinh sôi.

Những người lớn giờ đây cũng chẳng còn nhiều háo hức mong chờ ngày tết như xưa nữa. Có lẽ vì họ nhận ra: Mỗi năm tết về là mỗi năm người ta thấy tuổi xuân của cha mẹ, ông bà, người thân của họ lại trôi qua. Và những người lớn lại phải trưởng thành hơn, rồi phải hòa vào cuộc sống với những lo toan, bộn bề.

Ngày xưa, khi đời sống còn thiếu thốn, việc đón Tết đã trở thành một sự kiện lớn đối với mọi người, được chuẩn bị cả tháng trời. Nào là nuôi gà, nuôi heo để dành giết thịt, dành riêng loại nếp và đậu ngon nhất để gói bánh hay chuẩn bị tiền mua sắm quần áo cho trẻ nhỏ. Đầu tháng Chạp đã tất bật muối một vại dưa kiệu, ngâm thịt bỏ mắm và sau lễ cúng ông Táo về trời thì tất bật chợ búa, dọn dẹp nhà cửa. Mùa xuân lấp lánh còn hiển hiện trên ánh mắt hân hoan của bọn trẻ con được mặc áo mới, nhận phong bao lì xì đỏ chót đầu năm và đi nhặt xác pháo trải đỏ trước đầy sân nhà.

Gặp bà Võ Thị Mỹ Lang năm nay 80 tuổi, ở Phước Mỹ (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) trong ngày gần Tết, bà vui vẻ kể lại: Những ngày cận tết xưa, dù nghèo nhưng không khí chuẩn bị rộn rịp lắm cả nhà ai cũng được giao nhiệm vụ, người thì lo đi cắt lá chuối để gói bánh tét; người thì đi chợ mua thịt heo, nếp, củ kiệu… người thì lấy bộ chân đèn ra đánh bóng và trang trí bàn thờ. Ngày đó, nhà nào có chậu hoa mồng gà, chậu cúc hoặc cành mai trưng trong nhà là thấy ăn tết to lắm. Ngày 30 cả nhà quay quần bên nồi bánh chưng, đêm giao thừa nghe râm ran tiếng pháo khắp xóm. Còn bây giờ, con cháu đi làm ăn xa, lại bận nhiều việc nên đều đặt hết đồ ăn rồi không phải lo gì cả.

Cuộc sống ngày càng đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày tết hiện đã không còn quá quan trọng. Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày tết để được ăn bánh chưng, thịt heo, thịt gà, bánh kẹo, mứt…. Thì nay bánh chưng được bán quanh năm ngoài chợ, thịt cá là những thức ăn hàng ngày, bánh kẹo cũng được bán nhiều trong các cửa hàng tạp hóa. Vì thế, nó không còn là những món ăn đặc biệt, cơ bản trong ngày tết nữa. Việc chuẩn bị tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống… đều có sẵn, chỉ cần ra chợ hoặc siêu thị là có thể sắm đủ, nhiều người bận quá còn có thể đặt hàng online để họ mang đến tận nhà mà không phải đi mua sắm.

Tết nay, bên cạnh xu hướng về quê đón tết của những người xa quê, những gia đình hiện đại còn chọn đi du lịch để xả stress sau một năm vất vả. Nếu như trước đây, tết là cơ hội để mọi người được ăn ngon mặc đẹp thì nay người ta dành thời gian nghỉ tết cho việc vui chơi, giải trí, thăm thú bạn bè hay đi du lịch… Tuy vậy, nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tín ngưỡng truyền thống vẫn được gìn giữ như: tảo mộ, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, cúng giao thừa, xin lộc, lì xì đầu năm…

Tục khai bút và cho chữ đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Ngày nay, nét đẹp ấy vẫn còn, mỗi dịp tết đến tại các điểm diễn ra chương trình hội vui xuân tại tỉnh ta như Quảng trường 16 Tháng 4, Nhà Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh đều tổ chức cho chữ thư pháp. Ngày tết cũng vì thế mà thêm phần linh thiêng, đậm đà bản sắc. Tuy ông đồ ngày nay có khác ông đồ xưa là có nhiều người cho chữ là các bạn trẻ viết được Thư pháp thành thạo và rất đẹp. Dù là xưa hay nay thì xin chữ ông đồ mỗi dịp xuân về là một nét đẹp văn hóa được nhiều người ghi nhớ.

Dù sống trên quê hương hay phiêu bạt khắp năm châu, từ đời này sang đời khác, tết luôn là dịp để thể hiện lòng thành kính, tri ân và nhớ về tổ tiên. Vì thế vào thời khắc giao thừa và sáng Mùng Một Tết, gia đình còn khó khăn hay giàu sang đều cố gắng sắm sửa mâm cơm thịnh soạn dâng lên ông bà, mong phù hộ cho một năm mới bình an, vạn sự như ý. Ngày 23 tháng Chạp, dù bận bịu thế nào, các gia đình cũng dành thời gian đi chợ mua sắm mũ, áo giấy và cá chép để cúng ông Công, ông Táo. Nhà nào cũng có một chậu mai vàng hay hoa cúc trước sân để chuẩn bị đón Tết, những cánh mai vàng rực rỡ, sum suê biểu tượng cho sự sinh sôi, thịnh vượng luôn đặt tại vị trí trang trọng nhất trong nhà.

Tết nay có thể giản lược vài nghi lễ rườm rà, lãng phí, nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp rất cần được duy trì. Và, dù là tết xưa hay tết nay thì Người Việt Nam ta tin rằng ngày Tết Nguyên đán khởi đầu cho một năm mới, là ngày của sự đổi mới với những niềm tin mới, tạm biệt những quá khứ của năm cũ. Những gì không may mắn, không thuận lợi của năm cũ sẽ được xua đi để đón nhận những điều lạc quan, đầy hy vọng, đầy đẹp tươi trong năm mới đến .