Phước Nam đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, sản xuất nông nghiệp ở xã Phước Nam (Thuận Nam) từng bước chuyển hướng sang chất lượng, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, diện tích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn và thực hiện cánh đồng lớn ngày càng tăng, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Thái, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Sau khi có Nghị quyết 09, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo thực hiện các khâu đột phá về chuyển đổi cây trồng, triển khai các mô hình có hiệu quả. Để chương trình sớm đi vào thực tiễn sản xuất, giải pháp địa phương đưa ra là thực hiện tốt Quyết định số 65/2017/QĐ ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm khuyến khích nông dân triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình. Nhờ tháo gỡ được những khó khăn về vốn sản xuất cho nông dân, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp thông qua hình thức liên kết sản xuất, nên phong trào thi đua lao động sản xuất, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nuôi bò vỗ béo lan tỏa sâu rộng.

Nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam) trồng đậu xanh sử dụng nước tiết kiệm để ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh : Văn Nỷ

Theo báo cáo của UBND xã Phước Nam, tính đến nay, địa phương đã chuyển đổi cây trồng 62,75 ha; trong đó, chuyển 59,75 ha đất lúa sang trồng đậu xanh, dưa, rau các loại. Nét chuyển biến đáng kể trong sản xuất lúa là xã đã hỗ trợ 452 hộ ở thôn Văn Lâm 1, Văn Lâm 2, Văn Lâm 3 triển khai mô hình cánh đồng lớn, với tổng diện tích 160 ha, tạo đột phá trong tăng năng suất (bình quân đạt 8 tấn/ha). Đối với việc nhân rộng mô hình chăn nuôi, xã được đánh giá có cách làm hay, tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo. Từ năm 2016 đến nay, 35 hộ nghèo được hỗ trợ mua cừu, dê giống; 58 hộ nghèo được vay vốn phát triển chăn nuôi với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Không dừng lại đó, Phước Nam còn là xã đi đầu ở huyện Thuận Nam thực hiện tốt Chương trình chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KH&KT) vào sản xuất nông nghiệp. Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo thực hiện các khâu đột phá, hỗ trợ triển khai các mô hình hiệu quả, góp phần vào tăng năng suất, chất lượng mặt hàng nông sản và thu nhập cho nông dân. Hiện nay, trên địa bàn xã đang triển khai thực hiện mô hình nho, táo an toàn (bao lưới chống ruồi, sâu đục trái, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) với tổng diện tích 6,12 ha/13 hộ, kinh phí đầu tư 150 triệu đồng/ha. Năm 2019 xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình thí điểm về san phẳng đồng ruộng bằng công nghệ laser với diện tích 3,2 ha ở thôn Văn Lâm 3, tạo đột phá trong cơ cấu lại nội ngành sản xuất lúa theo hướng các hộ liên kết dồn điền hình thành cánh đồng lớn.

Kết quả đạt được là đáng biểu dương, tuy vậy cũng phải nhìn nhận những hạn chế trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp ở xã Phước Nam cần sớm khắc phục, như: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa có sản phẩm hàng hóa chủ lực mang tính chủ lực, chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao chưa thực sự phát triển mạnh mẽ và trở thành phong trào, quy mô nhỏ. Việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu tính bền vững. Đồng chí Nguyễn Văn Thái, cho biết thêm: Để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần xóa đói giảm nghèo, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tính tất yếu, tầm quan trọng của việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân, từ đó làm thay đổi tập quán, phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chuyển sang hướng hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Rà soát, khoanh vùng khu vực chuyển đổi cây trồng, áp dụng 100% cơ giới vào sản xuất; đổi mới, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.