Những người “giữ hồn” nhạc cụ dân gian Chăm

Giữa những ngày cuối năm, chúng tôi về các xã vùng đồng bào Chăm thuộc huyện Ninh Phước, Thuận Bắc tìm gặp những nghệ nhân vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2019. Họ được bà con ví như những người “giữ hồn” văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Chăm. Họ đang chắt chiu gìn giữ và truyền lòng đam mê nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Chăm cho cộng đồng dân cư địa phương.

Các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh nô nức chuẩn bị đón mừng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi đến gặp Nghệ nhân ưu tú Thành Văn Lũy ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa thuộc xã Bắc Sơn (Thuận Bắc). Ông đang cùng gia đình phấn đấu hoàn thành ngôi nhà mới khang trang kịp mừng đón mùa xuân mới 2020. Pha ấm trà ngon mời khách, Nghệ nhân ưu tú Thành Văn Lũy phấn khởi chia sẻ niềm vui: Cuối tháng 10- 2019, bản thân tôi và các nghệ nhân đồng bào Chăm vinh dự được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời tham gia thực hiện Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội. Bà con làng nghề Mỹ Nghiệp biểu diễn dệt thổ cẩm, làng Bàu Trúc biểu diễn làm gốm thu hút đông đảo người dân thủ đô đến xem cổ vũ. Bản thân tôi đàn Kanhi và hát các bài khoản đãi thần linh ca ngợi công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong việc khai khẩn đất hoang, dẫn thủy nhập điền, dạy cho dân làng làm gốm, dệt vải, xây dựng đền tháp.  Ngày hội giới thiệu đến người dân và du khách Hà Nội về văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận và những sản phẩm đặc thù như nho, táo, tỏi, thịt dê, cừu…Bản thân tôi rất tự hào được góp sức mình tham gia cùng ngành Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tổ chức thành công Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội. Trong năm mới Canh Tý 2020, phát huy vai trò của người nghệ nhân ưu tú, bản thân tôi tiếp tục tổ chức truyền dạy đàn kanhi cho thanh-thiếu niên địa phương, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nghệ nhân ưu tú Phú Văn Lương (trái) truyền dạy trống ghi năng cho anh Đạt Quang Phiêu
ở làng Chăm Như Ngọc, xã Phước Thái (Ninh Phước).

Chia tay làng Chăm Bỉnh Nghĩa nồng nàn hương thơm lúa mới chín vàng đồng, chúng tôi về xã Phước Thái (Ninh Phước) tìm thăm Nghệ nhân ưu tú Phú Văn Lương ở thôn Như Ngọc. Ông là một trong những nghệ nhân tiêu biểu tỉnh ta vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2019 đối với lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng nghệ thuật trình diễn dân gian. Chúng tôi nhiều lần gặp Nghệ nhân Phú Văn Lương tại chương trình Hội thảo Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm ở Ninh Thuận, ngày hội của đồng bào Chăm xã Phước Thái, Phước Hữu. Với vai trò chức sắc nhạc lễ dân tộc Chăm, ông thể hiện nhuần nhuyễn các loại nhạc cụ truyền thống như trống baranưng và trống ghi năng. Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc dân gian Chăm, Phú Văn Lương được người chú ruột là Nghệ nhân ưu tú Phú Bình Đồn truyền dạy biểu diễn trống ghi năng và cha ruột là Thầy vỗ Phú Văn Sơn dạy biểu diễn trống baranưng. Khi chuyển về thôn Như Ngọc sinh sống, ông tiếp tục theo Nghệ nhân Thiên Sanh Thềm học vỗ trống baranưng và nằm lòng 50 bài hát khoản đãi thần linh ngợi ca công lao của các bậc tiền nhân. Nghệ nhân Ưu tú Phú Văn Lương tiếp tục truyền dạy biểu diễn trống ghi năng miễn phí cho 14 thanh niên dân tộc Chăm ở các xã Phước Hữu, Phước Thái. Trong năm mới 2020, Nghệ nhân Ưu tú Phú Văn Lương tiến hành xin phép chính quyền địa phương ra quyết định thành lập câu lạc bộ (CLB) nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm xã Phước Thái truyền dạy bài bản và phương pháp biểu diễn miễn phí cho thanh thiếu niên địa phương.

Các nghệ nhân làng Chăm Hữu Đức múa quạt trên nền nhạc cụ dân gian Chăm.

Về xã Phước Hậu, chúng tôi đến thăm Nghệ nhân ưu tú Vạn Sổ, Chủ nhiệm CLB Nhạc cụ Chăm thôn Hiếu Lễ, ông phấn khởi cho biết CLB được UBND xã Phước Hậu cho phép thành lập đi vào hoạt động từ năm 2013. Từ 10 thành viên buổi đầu thành lập đến nay đã tăng lên 19 thành viên tích cực tham gia hoạt động truyền dạy biểu diễn nhạc cụ Chăm. CLB đã đào tạo được 12 học viên biểu diễn thành thạo trống ghi năng trở thành nhạc công chính thức trong các chương trình văn nghệ và các hoạt động lễ hội trong cộng đồng dân cư. Trong đó có các học viên biểu diễn trống ghi năng xuất sắc như: Vạn Duy Lanh, Đàng Tân, Quảng Bá Phí, Lương Thiện Chí được cộng đồng dân tộc Chăm địa phương tin yêu. Ngoài việc truyền dạy nhạc cụ, CLB cũng đã thành lập 2 đội múa truyền thống gồm 20 thành viên nữ thường xuyên luyện tập phục vụ các hoạt động văn hóa của địa phương, tham gia các hội thi văn nghệ, cung cấp tư liệu sinh động cho các nhà nghiên cứu về âm nhạc dân gian Chăm. Ông Vạn Sổ là nhân tố giữ vai trò chủ chốt trong việc truyền dạy trống ghi năng cho thanh niên địa phương tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở vùng đồng bào Chăm xã Phước Hậu. Ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Trong năm mới 2020, CLB Nhạc cụ Chăm thôn Hiếu Lễ tiếp tục tuyên truyền vận động thanh thiếu niên tham gia học biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm.

“Năm 2019, toàn tỉnh có 14 nghệ nhân được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 5 người là đồng bào dân tộc Chăm. Đây là niềm hạnh phúc và tự hào của bản thân các nghệ nhân và gia đình và bà con làng xóm. Với vai trò nghệ nhân ưu tú cao tuổi, tôi tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm. Đồng thời tuyên truyền vận động gia đình, tộc họ, bà con thôn xóm thi đua thực hiện hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động”, Nghệ nhân Ưu tú Vạn Sổ chia sẻ niềm vui giữa mùa xuân mới Canh Tý- 2020.