Bình yên cho những chuyến tàu ngày tết

Những ngày giáp tết, trên những chuyến tàu xuôi ngược Bắc – Nam, dòng người tấp nập với những niềm vui trở về với gia đình quây quần đón Xuân mới. Thế nhưng đâu đó vẫn còn có những con người âm thầm, lặng lẽ mang lại sự bình yên, an toàn cho mỗi chuyến tàu. Họ là những nhân viên kiểm tra đường sắt, gác chắn tàu luôn nêu cao tình thần trách nhiệm và cố gắng đảm bảo an toàn tuyến đường sắt cho người dân.

Tuyến đường sắt Bắc – Nam qua tỉnh ta dài 61 km (từ km 1378+200 thuộc xã Công Hải (Thuận Bắc) đến km 1439+200 thuộc xã Cà Ná (Thuận Nam), toàn tuyến có 8 trạm gác chắn đường ngang. Mỗi khi có đoàn tàu chạy qua, những nhân viên gác chắn tàu lại nhanh chóng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho người và phương tiện lưu không qua lại. Công việc tưởng đơn giản nhưng lại cực kỳ áp lực và khó khăn, họ luôn phải nêu cao tình thần trách nhiệm, cố gắng đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu và các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua đường sắt.

Nhân viên gác chắn tàu Tháp Chàm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu.

Đúng giờ hẹn, chúng tôi có mặt tại trạm gác Tháp Chàm (tại km 1407+966) vào khoảng 9 giờ 15 phút sáng, trò chuyện với các nhân viên trạm gác về công việc của mình được một lúc thì tiếng chuông điện thoại vang lên, nhận điện thoại chị Nguyễn Thị Oanh, nhân viên trực tại gác chắn Tháp Chàm thông báo với đồng nghiệp trong ca trực là chuẩn bị có tàu khách đi qua. Tất cả sẵn sàng làm nhiệm vụ, nhanh chóng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho người và các phương tiện tham gia giao thông qua lại. Công việc tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng thực ra rất quan trọng và áp lực. Chỉ những người trong nghề mới hiểu được hết những vất vả hàng ngày mà họ luôn phải thực hiện bởi công việc đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, quan sát kỹ lưỡng để không xảy ra sơ suất. Chị Nguyễn Thị Oanh, nhân viên gác chắn Tháp Chàm đã có 9 năm trong nghề, chia sẻ: Mỗi nhân viên tại trạm gác được bố trí làm luân phiên ca ngày và ca đêm, mỗi ca kéo dài 12 giờ. Hàng ngày, có hơn 30 chuyến tàu qua lại, nhiệm vụ của chúng tôi là kéo gác chắn, ghi chép lịch trình tàu, nên phải trực tại chỗ không được rời vị trí trong ca trực của mình. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi cũng có thể mang lại hậu quả khôn lường.

Cứ như vậy, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu qua lại, chị Oanh và đồng nghiệp sau khi kéo gác chắn lại vào ghi lịch trình tàu. Công việc lặp đi lặp lại, buộc họ phải luôn tập trung, sẵn sàng trong mọi thời điểm. Đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán, tàu phải tăng cường chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách về quê ăn tết, vì thế công việc của các chị lại càng vất vả hơn, nhiều người phải đón giao thừa trên trạm gác. Chị Oanh chia sẻ thêm: Làm ban ngày còn đỡ, chứ ban đêm thì vất vả lắm. Gác ca đêm không ai được phép ngủ, tàu chạy qua thường xuyên nên phải chú tâm để tránh tai nạn, công việc cứ xoáy vào mình, nhiều khi chẳng biết thời gian nữa. Lúc trực ca đêm giao thừa, tuy không được ở bên gia đình nhưng bù lại có các đồng nghiệp, mình cũng đỡ buồn và thấy ấm lòng hơn.

Công nhân Công ty Cổ Phần Đường sắt Thuận Hải sửa chữa đường ray.

Vì sự an toàn của người khác, đôi khi những nhân viên gác chắn phải đối mặt với những nguy hiểm rình râp. Chị Trần Thị Hoàn có 6 năm trong nghề tâm sự: Ở đây, người dân qua lại đông, mỗi khi tàu tới, chúng tôi ra kéo rào chắn nhưng nhiều người vẫn cố tình chui qua. Mình không né kịp là bị họ đâm xe vào ngay hoặc cố tình đâm vào rào chắn. Một số người không hiểu còn cãi lại, có nhiều người còn tỏ thái độ và buông lời khó nghe khiến chúng tôi rất buồn. Khi tàu đi qua, kéo rào chắn vào hai bên đường, mọi người lại vội vã chạy xe, sợ lắm.

Rời trạm gắc chắn, chúng tôi đến Tổ tuần đường ga Tháp Chàm có 3 thành viên, mỗi ngày có 3 ca trực họ thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Cứ đến giờ trực của mình những nhân viên tuần đường lại xách hành trang lên đường làm nhiệm vụ như một thói quen. Theo chân anh Đào Duy Quý, nhân viên tuần đường nhiều năm tại đội tuần đường ga Tháp Chàm. Đi dọc suốt đường sắt từ ga Tháp Chàm đến xã Phước Hậu (Ninh Phước), anh Quý kiểm tra các ốc vít trên đường ray. Mặc cho thời tiết thế nào, anh Quý đều chăm chỉ với công việc mà anh đã gắn bó suốt 27 năm qua. Đến ca trực anh cầm trên tay 2 lá cờ, chiếc cờ lê, mỏ-lết rồi bắt đầu nhiệm vụ của mình. Công việc của anh Quý là phải đi bộ dọc đường sắt dài 8 km để kiểm tra các ốc vít, ray đinh, lập lệch xem có an toàn hay không. Từng đoạn đường mà anh Quý đi qua đều được kiểm tra, quan sát thật kỹ lưỡng từng đoạn ray, từng thanh tà-vẹt để phát hiện và kịp thời sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Anh Quý cho biết: Những lúc gặp sự cố nhỏ thì mình xử lý ngay, còn gặp sự cố lớn nếu không xử lý được mình phải báo ngay về tổ để kịp thời xử lý, đảm bảo cho các chuyến tàu. Có những lúc đường ray hư hong nặng cần có thời gian xử lý anh Quý phải cắm cờ, báo hiệu cho người lái tàu biết để giảm tốc độ, để tránh trường hợp nguy hiểm xảy ra.

Vất vả là vậy, nhưng khi đã gắn bó với nghề thì họ vẫn miệt mài hoàn thành nhiệm vụ. Ngày cũng như đêm, không kể mưa hay nắng, mỗi chuyến tàu qua, các nhân viên gác chắn và tuần đường tại 8 trạm gác chắn đường ngang lại thêm một phần trách nhiệm đảm bảo an toàn cho mọi người, đó chính là niềm vui của họ. Chia tay với họ, chúng tôi cảm nhận được hy sinh thầm lặng của những người làm nghề tuần đường, gác chắn tàu đã giúp cho hàng trăm chuyến tàu được an toàn.