Miền Trung: Ứng phó ra sao trước sóng thần?

Thảm họa động đất, sóng thần xảy ra tại Nhật Bản cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn người, khiến các tỉnh ven biển miền Trung giật mình nhìn lại khi hầu hết các tỉnh này chưa có một phương án, kịch bản đối phó với động đất, sóng thần.

Bờ biển Đà Nẵng hoang tàn sau khi trải qua trận bão, lũ năm 1999

“Chưa nghĩ đến động đất, sóng thần”

Trước thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản, người dân các tỉnh miền Trung, nơi có bờ biển dài gần 2.000km, đặt câu hỏi: Liệu người dân miền Trung, đặc biệt là vùng Quảng Nam, Đà Nẵng, nơi quanh năm đối mặt với bão, lũ có thể xoay xở được khi có động đất sóng thần xảy ra?

Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, cho biết: Địa bàn Đà Nẵng trong lịch sử chưa ghi nhận trường hợp động đất, sóng thần nào xảy ra. Đà Nẵng không nằm trên tầng nứt gãy địa chất nên khó xảy ra động đất, sóng thần. Tuy nhiên, nếu như xảy ra sóng thần, Đà Nẵng sẽ bị thiệt hại lớn vì cửa vịnh hẹp nên mức sóng sẽ tăng cao khi vào đất liền.

Dư luận cũng đặt câu hỏi, nếu động đất, sóng thần xảy ra, kiến trúc, cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng sẽ như thế nào? Lãnh đạo Viện Quy hoạch phát triển và xây dựng TP Đà Nẵng cho biết: Đến nay, sóng thần và động đất không thể dự báo nên rất khó ứng phó. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng từ năm 1997 đến nay, việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến trúc, công trình công cộng, cao ốc… đều phải tuân thủ Tiêu chuẩn xây dựng VN 375:2006.

Đối với Đà Nẵng, trong quá trình xây dựng đều phải dựa vào bản đồ phân vùng cường độ động đất để từ đó tính gia tốc nền cho công trình. Tại Đà Nẵng, địa phương có quy định về gia tốc nền cao nhất là quận Hải Châu với gia tốc nền là 0,1006, tương đương với mức chịu được động đất cấp 7 (theo thang MM hoặc MSK).

Một thực tế đang tồn tại hiện nay là người dân miền Trung quá mù mờ đối với việc phòng tránh sóng thần. Không chỉ người dân mà ngay cả các ngành chức năng cũng đang tỏ ra lúng túng, khi được hỏi về cách thức, biện pháp đối phó động đất và sóng thần. Hiện hầu hết các địa phương ở miền Trung chưa có kịch bản hay kế hoạch để đối phó với sóng thần. Nguyên nhân là do nhận định thảm họa này khó xảy ra.

Miền Trung hoàn toàn có thể xảy ra sóng thần?

Khi đặt ra vấn đề, các tỉnh miền Trung có khả năng xảy ra động đất, sóng thần hay không, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Đà Nẵng cho rằng, các tỉnh miền Trung hoàn toàn có thể có sóng thần. Bởi lẽ, các tỉnh miền Trung nằm dọc bờ biển dài hàng ngàn km, nằm trong vùng biển Đông.

Sau khi Nhật Bản xảy ra thảm họa, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bị động đất, trong khi các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam chỉ cách vùng xảy ra động đất của lãnh thổ Đài Loan, Philippines khoảng 1.200km. Vì vậy, nếu khu vực ngoài khơi các nước và vùng lãnh thổ này bị động đất mạnh như Nhật Bản vừa qua với vận tốc sóng thần 800km/giờ, chỉ chừng hơn 1 giờ sau, khả năng sóng thần đi vào đến các tỉnh miền Trung là hoàn toàn có thể.

Kỹ sư Nguyễn Thái Lân, Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ), nhận định: Khu vực miền Trung đã từng ghi nhận những trận bão lớn cấp 13, 14; những trận lũ lịch sử vượt báo động 3 đến 3 - 4m. Đó chưa phải là tất cả, bởi trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, nguy cơ những thảm họa về thiên tai đối với khu vực miền Trung là có thể xảy ra.

Do khu vực miền Trung nằm xa đường đứt gãy của vỏ Trái đất nên khả năng xảy ra động đất là rất thấp. Nhưng sóng thần, những trận “siêu” bão hay những trận lũ đặc biệt lớn thì rất có thể xảy ra. Ghi nhận trong những năm gần đây cho thấy, cường độ của những cơn bão, trận lũ xảy ra ngày càng mạnh; quy luật bất thường làm cho công tác dự báo rất khó khăn.

Trong khi đó, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam), nơi có chùa Cầu được người Nhật quan niệm là lưng con quái vật bị yểm bởi một thanh kiếm và một ngôi chùa để nước Nhật (đầu con quái vật) không bị động đất, là địa phương dọc ven biển, cho biết: “Hội An có 2 di sản thế giới là Di sản văn hóa thế giới Hội An và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Sau khi Nhật Bản xảy ra thảm họa động đất, sóng thần, Hội An mới nghĩ đến phương án đối phó với thảm họa này”.

Các trạm cảnh báo sóng thần đầu tiên ở Việt Nam

Còn nhớ hồi đầu tháng 7-2005, chỉ vì thiếu kiến thức cũng như sự lúng túng của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mà người dân ven biển Đà Nẵng đã một phen chạy tán loạn khi có thông tin cảnh báo sóng thần đổ vào bờ biển Đà Nẵng.

Cảnh tượng hàng ngàn người dân chen lấn nhau kéo chạy lên núi Sơn Trà, đèo Hải Vân để trú ngụ diễn ra hết sức hỗn độn. Trẻ em, người già, thậm chí cả những sản phụ mới sinh cũng ôm con chạy lên núi, dầm mưa cả đêm. Thế nhưng, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, lại chẳng thấy sóng thần đâu.

Họ quay về trong sự bực tức và nghĩ chính quyền địa phương phát trên loa phóng thanh cảnh báo sóng thần sẽ đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng chỉ là… tin vịt. Qua lần này, hầu hết người dân sống ven biển Đà Nẵng lại tỏ ra chủ quan và không tin tưởng vào sự cảnh báo sóng thần của cơ quan chức năng nữa.

Qua bài học lần đó, mới đây Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng phối hợp cùng Viettel triển khai xây dựng các trạm cảnh báo sóng thần ở Đà Nẵng và đây là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành xây dựng các trạm cảnh báo sóng thần.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho biết: Song song với việc xây dựng các trạm cảnh báo sóng thần, Ban chỉ huy PCLB và TKCN TP cũng đang xây dựng các kịch bản ứng phó sóng thần. Trước mắt, Đà Nẵng sẽ tổ chức diễn tập sơ tán dân khỏi sóng thần vào tháng 7 này. Khi có cảnh báo sóng thần, người dân phải chủ động di tản khỏi khu vực cách bờ biển tối thiểu 500m. Các phương tiện cứu hộ, ứng cứu sẽ được huy động để hỗ trợ người dân.

Theo kịch bản về sóng thần tại Việt Nam, thời gian lan truyền sóng thần từ nguồn máng biển Manila ước lượng đến vùng biển các tỉnh, thành miền Trung dao động khoảng 2 giờ. Trong đó, Đà Nẵng mất khoảng 3 giờ. Theo tính toán, ngay khi xuất hiện khả năng xảy ra sóng thần trên biển Đông, qua sóng vô tuyến, người dân Đà Nẵng sẽ được cảnh báo tối thiểu trước 30 phút.

* Ông Đỗ Phong Doanh, Phó Giám đốc chi nhánh Viettel Đà Nẵng, cho biết: Trước mắt, 2 trạm đầu tiên sẽ được xây dựng tại đầu đường Hoàng Sa thuộc phường Mân Thái (quận Sơn Trà) và tại Trung đoàn thông tin 575 trên địa bàn Xuân Thiều (Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Trạm được xây dựng thành các đài canh, xử lý có hệ thống ăng ten thu phát tín hiệu cao nhất 30-35 m. Tại 8 điểm còn lại hệ thống sẽ phát âm thanh với các dữ liệu thông tin cảnh báo người dân

Nguồn Báo SGGP