Khoa học và công nghệ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Năm 2019 lĩnh vực Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có bước phát triển quan trọng, ngành chức năng chủ động đề ra các giải pháp thực hiện hoàn thành 5/5 nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh giao.

Nổi bật là hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở KH&CN đã làm tốt công tác huy động nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương, nên triển khai được 39 nhiệm vụ KH&CN; trong đó, 9 nhiệm vụ cấp quốc gia, 30 nhiệm vụ cấp tỉnh. Các nhiệm vụ KH&CN đã thực sự đi vào đời sống, gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có những đóng góp thiết thực trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Có 10 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh do các cơ quan đặt hàng để triển khai ứng dụng vào thực tiễn đảm bảo mục tiêu sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng. Điển hình như Đề tài “Nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm từ cừu Ninh Thuận” đã chuyển giao thành công công nghệ sản xuất, giúp doanh nghiệp Triệu Tín cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 10 mặt hàng chế biến từ thịt cừu, tạo đột phá mới trong phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Nông dân huyện Ninh Hải liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi cừu.

Đầu tư phát triển các sản phẩm thế mạnh của tỉnh là điểm sáng của hoạt động KH&CN trong năm 2019. Để phát triển giá trị các sản phẩm đặc thù sau khi được bảo hộ, Sở KH&CN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT), coi đó là nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai một cách toàn diện, đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung, mang lại hiệu ứng tích cực. Năm qua, Sở KH&CN tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu dành cho các doanh nghiệp và kỹ năng quản lý thực thi trong SHTT. Công tác phát triển các sản phẩm đặc thù đang được ngành chức năng, các địa phương triển khai một cánh toàn diện, không chỉ dừng lại ở bảo hộ SHTT, mà còn hướng đến chiều sâu hơn kể cả việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín. Hướng tới mục tiêu nâng tầm thương hiệu các mặt hàng nông sản, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án “Truy xuất nguồn gốc 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh; thực hiện việc in tem và bàn giao 290 ngàn tem cho 8 sản phẩm: Nho, táo, tỏi, cừu, dê, gốm, thổ cẩm, nước mắm Cà Ná.

Hợp tác xã nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất rượu nho chất lượng cao.

Nhìn nhận vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất, chế biến hàng nông sản để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, năm 2019, Sở KH&CN đã hỗ trợ 2 doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm đặc thù. Nhờ được sự “tiếp sức” của ngành chức năng, Công ty Cổ phần Nắng và Gió ứng dụng toàn diện các giải pháp công nghệ từ canh tác đến chế biến thành phẩm các sản phẩm đặc thù nho, táo; Công ty Cổ phần đầu tư S6 ứng dụng công nghệ xử lý nước biển sạch đầu vào và xử lý nước thải cho cơ sở sản xuất tôm giống. Ngoài ra, còn có 28 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ xác lập quyền SHTT, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, kết nối “cung - cầu” với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Từ thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả, đến nay trên địa bàn tỉnh có 1 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố) được công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Để thúc đẩy và ươm tạo phát triển, tiếp tục hình thành doanh nghiệp KH&CN, năm qua có 3 doanh nghiệp cũng đươc hỗ trợ đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã sản phẩm đặc thù.

Sản phẩm vi tảo làm sạch nước nuôi tôm được sản xuất tại
Trung tâm Sản xuất giống thủy sản cấp 1 tỉnh.

Hoạt động KH&CN đánh dấu bước phát triển ở tầm cao hơn, khi năm 2019, Sở KH&CN đề xuất dự án thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” và Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo của cả nước”. Các dự án sẽ được thực hiện trong năm 2020, còn kết quả trước mắt đáng kể là Dự án “Ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý hạ tầng đô thị trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm”, đã số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng ngầm (điện, cấp thoát nước, viễn thông) của thành phố. Hiện nay, hệ thống này đã được chuyển giao ứng dụng, phục vụ đắc lực công tác quản lý đô thị của ngành Xây dựng, làm tiền đề cho mục tiêu xây dựng thành phố thông minh trong tương lai gần.

Nhìn lại năm 2019 cho thấy, để nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhóm ngành trụ cột như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, kinh tế biển, ngành chức năng đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các chương trình, dự án hợp tác quốc tế nghiên cứu đề xuất triển khai các hợp phần công việc phù hợp trên địa bàn tỉnh; tích cực tham gia các chương trình hợp tác về KH&CN với các thành phố phát triển mạnh như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nhờ đó, các đề tài đang triển khai, các đề tài đã hoàn thành có tính ứng dụng cao, giải quyết được các vấn đề bức thiết trong sản xuất và cuộc sống. Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Năm 2020, ngành KH&CN tham mưu UBND tỉnh tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, hướng trọng tâm vào nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ phát triển các sản phẩm đặc thù, chủ lực, có lợi thế của tỉnh và công nghiệp chế biến sản phẩm có chất lượng tốt, quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh hoạt động thực thi bảo hộ quyền SHTT, ưu tiên đầu tư mở rộng quảng bá, kết nối thị trường, thương mại hóa 12 sản phẩm đặc thù đã được tỉnh xác lập, lựa chọn.