Xuân về ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Về với các vùng đồng bào huyện Thuận Bắc trong những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được một mùa xuân ấm no, hạnh phúc đang về. Bên cạnh hình ảnh rẫy bắp, đồng lúa xanh tươi tốt là những con đường bê tông xuyên suốt nối liền làng trên, xóm dưới… tạo nên bức tranh sinh động ở một vùng quê có hơn 70% đồng bào Chăm và Raglai sinh sống.

Để tìm hiểu về cuộc sống người dân ở đây, chúng tôi đến xã Phước Chiến là địa phương có vị trí xa nhất trên địa bàn huyện, từ vành đai hồ Sông Trâu dẫn về trung tâm xã có sự đổi mới rõ nét, ít ai có thể ngờ rằng, từ một địa phương có nhiều năm chịu cảnh đói giáp hạt, phải nhờ đến sự hỗ trợ của Nhà nước thì nay đã khác. Đồng chí Chamaléa Hiến, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Với hơn 585 ha đất canh tác, từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể, nên từ chỗ canh tác nhỏ lẻ, manh mún thì nay đã dần thay đổi, bà con từng bước hướng tới sản xuất tập trung, cho hiệu quả cao hơn.

Hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu, tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Bắc.

Để minh chứng cho những thay đổi trong quá trình phát triển triển nông nghiệp, chúng tôi được đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã đưa đi tham quan một số mô hình chuyển đổi tại các thôn trên địa bàn. Trò chuyện với anh Mấu Văn Danh, ở thôn Ma Trai, được biết, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào 1,2 ha đất rẫy trồng lúa và bắp, do đất khô cằn, thiếu nước nên sản xuất kém hiệu quả. Quyết tâm không để cái nghèo đeo bám, năm 2009, anh mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư cải tạo lại đất trồng trọt, liên kết với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang để chuyển sang trồng mía theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cho năng suất khoảng 60 tấn/ha/vụ, qua đó đã giúp gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống ổn định.

Không riêng ở Phước Chiến, tại các xã Lợi Hải, Bắc Sơn, Công Hải… đời sống của người dân cũng có bước phát triển mới, kết quả trên là cả một quá trình phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện hàng loạt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Đặc biệt, thực hiện Đề án Chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh trong những năm qua, ngoài kịp thời phân bổ vốn đến các đối tượng thụ hưởng, huyện tập trung chỉ đạo các xã chủ động rà soát, đánh giá thế mạnh từng khu vực, lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ, kết hợp bố trí những cây con phù hợp để đầu tư phát triển. Trong năm 2019, thông qua chính sách này, có 68 hộ DTTS trên địa bàn được hỗ trợ 210 con dê giống và 10 con bò cái sinh sản; giải ngân vốn vay ưu đãi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg Chính phủ cho 220 hộ nghèo thực hiện mô hình phát triển sản xuất, với số tiền gần 10,1 tỷ đồng… Từ việc thực hiện chính sách về phát triển sản xuất, trình độ canh tác của người dân được nâng lên, một số địa phương xây dựng nhiều mô hình thí điểm trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả nhất định. Điển hình ở xã Bắc Sơn, khu vực thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, từ định hướng thiết thực của chính quyền xã, giúp bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp. Tiêu biểu như hộ anh Mang Trưởng, ở thôn Xóm Bằng đã mạnh dạn chuyển hơn 1 sào đất lúa sang trồng măng tây xanh, sau hơn 6 tháng trồng, nhờ tuân thủ quy trình canh tác, cây măng tây xanh phát triển tốt, mỗi ngày cho thu hoạch từ 4-5 kg, với giá thu mua 50 ngàn đồng/kg, gia đình anh thu lãi trên 200 ngàn đồng/ngày… Từ thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS trên địa bàn huyện giảm từ 3-4% mỗi năm; số hộ khá, giàu ngày càng tăng lên.

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thuận Bắc hăng hái thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống.

Vùng đồng bào DTTS ở Thuận Bắc hôm nay đang từng bước chuyển mình, vươn lên về mọi mặt. Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, thông qua nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã tạo bước tiến mới về kết cấu hạ tầng, nhiều công trình phục vụ vì lợi ích của cộng đồng hoàn thành, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ của người dân. Chỉ tính riêng trong năm 2019, tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa… tại các vùng DTTS trên địa bàn huyện đạt trên 3,6 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống giao thông của Thuận Bắc phát triển nhanh, với 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông hoặc nhựa hóa. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, dịch vụ chăm sóc y tế, trợ cấp cho học sinh nghèo đến trường, trợ giúp pháp lý nâng cao hiểu biết pháp luật cho bà con DTTS tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Bà Chamaléa Thị Vớ, thôn Bà Râu 1 (xã Lợi Hải) phấn khởi: Từ việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và phát huy tốt nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, quê hương mình đã thực sự khởi sắc, cảnh đói nghèo đã được đẩy lùi, kinh tế cải thiện đáng kể, hộ nào cũng có điều kiện sắm sửa ti vi, xe máy, phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình…

Thành quả có được hôm nay sẽ là động lực quan trọng cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện tiếp tục gặt hái thành công trên chặng đường phát triển kinh tế-xã hội; cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương Thuận Bắc thêm phần giàu đẹp; cuộc sống no ấm, phồn vinh và hạnh phúc.