Xuân nơi cửa ngõ phía Bắc của tỉnh

Về huyện Thuận Bắc trong ngày đầu Xuân mới, đến cánh đồng điện gió ở xã Bắc Phong hòa vào dòng du khách tham quan công trình mang tầm quốc gia cảm nhận được sức sống mãnh liệt nơi vùng đất được mệnh danh đầy nắng và gió. Có bao nhiêu lần ngang qua, nhưng quá vội ít khi dừng lại, và hôm nay khi ngắm nhìn những cánh quạt của các trụ điện gió quay đều tạo ra nguồn năng lượng sạch mới hay vùng đất thuần nông khi xưa nay đã “thay da đổi thịt”, hòa nhập vào xu thế phát triển chung của cả tỉnh.

Cũng chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng Thuận Bắc có cách làm hay, nhiều nét mới. Tháng 4 - 2019, Tổ hợp năng lượng tái tạo Trung Nam gồm trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời duy nhất ở Việt Nam được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia đã đưa Thuận Bắc bước sang thời kỳ mới. Tổng Giám đốc Trung Nam Group, ông Nguyễn Tâm Tiến trình bày tổng quan quá trình xây dựng, vận hành về dự án tổ hợp Điện mặt trời và Điện gió với tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt 950 triệu kWh - 1 tỷ kWh điện; trong đó, nhà máy điện mặt trời có công suất 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/ năm. Đây là tổ hợp năng lượng tái tạo lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm Biến áp 220 kV Tháp Chàm. Công trình có quy mô diện tích tích 264 ha thuộc địa bàn xã Bắc Phong và Lợi Hải, sử dụng hơn 700.000 tấm pin thế hệ mới và 45 tuabin, tổng vốn đầu tư 5 nghìn tỷ đồng.

Trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: Văn Miên

Với khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng huyện nhà trở thành vùng công nghiệp trọng điểm phía Bắc của tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Thuận Bắc năng động, sáng tạo trong điều hành, chỉ đạo các phòng, ban, xã, phối hợp với nhà đầu tư rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn. Trước thềm năm mới, nhân dân Thuận Bắc đón nhận nhiều niềm vui mới. Ngày 29-11 năm 2019, Trung Nam Group tiếp tục tổ chức lễ phát điện dự án Điện gió Trung Nam giai đoạn II với công suất 64 MW, gồm 16 trụ gió, công suất mỗi trụ 4 MW. Đây là loại tua-bin trên đất liền có công suất lớn nhất so với các dự án điện gió được thực hiện tại Việt Nam hiện nay. Phát triển năng lượng sạch kết hợp với du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là chủ trương nhất quán của huyện nhằm biến những vùng đất khô hạn sản xuất kém hiệu quả trở thành lợi thế so sách.

Việc một số dự án điện gió, điện mặt trời khánh thành đi vào vận hành thương mại trong thời gian gần đây đã tạo sức bật mới cho vùng nông thôn. Nhân dân ở các xã Lợi Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn trước đây nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi, thế nhưng từ khi Trung Nam Group tổ chức khánh thành và chính thức đưa vào vận hành Tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn I và giai đoạn II đã tạo cơ hội cho người dân quanh vùng phát triển các ngành, nghề, dịch vụ, ổn định cuộc sống. Xuân về đi trên quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong chứng kiến cuộc sống nơi đây nhộn nhịp, khởi sắc. Từ khi hình thành khu công nghiệp mới thu hút đông đảo đội ngũ công nhân, kỹ sư đến làm việc, một số hộ mở các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cuộc sống nhờ đó sung túc hơn trước. Từ chú trọng phát triển năng lượng sạch, Thuận Bắc đã tạo “đột phá” trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đóng góp lớn vào thu ngân sách của huyện và tỉnh.

Phát triển điện gió kết hợp sản xuất nông nghiệp ở huyện Thuận Bắc.

Thuận Bắc phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, nông nghiệp cũng vững bước đi lên bằng thực hiện các mô hình chăn nuôi và trồng trọt phù với điều kiện thổ nhưỡng ở từng khu vực. Xác định cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các phòng, ban, xã, đã vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa với diện tích hơn 200 ha. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện, bà con xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn đồng loạt chuyển đất lúa thiếu nước sang trồng măng tây xanh, cho thu nhập 14,5 triệu đồng/sào/tháng. Cũng như nhiều huyện khác, quá trình thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn Thuận Bắc gặp khó khăn do sản xuất manh mún, thiếu ổn định. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã trong thực hiện nhiệm vụ, Thuận Bắc đã làm nên điều khác biệt. Ngày nay, trên những vùng đất khô hạn ở xã Bắc Sơn, Công Hải, Lợi Hải... đã hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao.

Có thể nói, công nghiệp và nông nghiệp đã tạo bước phát triển vượt bậc cho huyện Thuận Bắc. Bằng nỗ lực vươn lên của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, tin tưởng Thuận Bắc tiếp tục vững bước đi lên trong năm mới 2020.