Quốc hội thảo luận về KT-XH:

Giải pháp mạnh, triển khai nghiêm, chuyển biến rõ

Đa số các đại biểu Quốc hội đều đánh giá các giải pháp mà Chính phủ đang thực thi là khá toàn diện, đúng hướng và đang có chuyển biến tích cực, đồng thời cũng đề nghị Chính phủ sớm khắc phục các bất cập của nền kinh tế để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội

Ngày 26-3, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011.

Kê đúng “toa thuốc” cho nền kinh tế

Đa số đại biểu đều đánh giá các giải pháp mà Chính phủ đang thực thi là khá toàn diện, đúng hướng và đang có chuyển biến tích cực. Ví như chính sách giảm tổng cầu của nền kinh tế thông qua giảm chi ngân sách và đầu tư công, nếu làm quyết liệt, nghiêm túc sẽ đạt hiệu quả cao.

Đồng tình với những giải pháp mạnh của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế hiện nay, TS. Trần Du Lịch (ĐB TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, một trong những “ưu tiên của ưu tiên” trong năm nay của Chính phủ là “giữ lạm phát ở một con số” và “cắt giảm đầu tư công”.

“Năm 2010, tăng trưởng chúng ta đạt 6,78%, nhưng không kiềm chế được lạm phát ở mức một con số. Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ trong điều hành kinh tế năm nay”, đại biểu Trần Du Lịch chia sẻ.

Đi sâu vào “bắt bệnh” nền kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch ủng hộ giải pháp quyết liệt của Chính phủ và đề nghị phải có biện pháp chống tình trạng “đô la hóa, vàng hóa” nền kinh tế. “Chúng ta không thể chấp nhận để vàng và đô la trở thành phương tiện thanh toán trong nhân dân”, TS. Trần Du Lịch khuyến nghị.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, “toa thuốc” cho nền kinh tế hiện nay đã trúng, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao thực hiện đúng liều lượng.

Đầu tư mạnh cho “tam nông”

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm phân tích, các giải pháp mà Nghị quyết 11/NQ-CP đưa ra rất rõ ràng, đúng hướng, tạo được chuyển biến bước đầu. Việc giảm mạnh tổng cầu và chính sách thắt chặt tài khóa là liều thuốc mạnh.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cũng đề nghị tính toán kỹ các dự án được đình hoãn, giãn tiến độ, chỉ rõ liều lượng thắt chắt tín dụng, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong điều hành, kịp thời phát hiện sai phạm cũng như xử lý nghiêm minh.

Đại biểu lưu ý, cần tránh tình trạng tăng trưởng - thắt chặt - tăng trưởng rồi lại thắt chặt.

Theo đại biểu, hiện nay đang nảy sinh hai vấn đề lớn, đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận nguồn vốn. Hiện tại đã thiếu vốn lại lãi suất cao đang là thách thức rất lớn cho sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần làm rõ mức độ, liều lượng và địa chỉ của các ưu tiên tín dụng vốn mà Nghị quyết 11/NQ-CP đã nêu, trước hết là vốn cho “tam nông”. Vì “tam nông” là nền tảng để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đây là yếu tố quyết định để chúng ta giải quyết vấn đề hiện tại cũng như lâu dài.

Đại biểu Vũ Quang Hải đồng tình, kết quả sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu gạo cho thấy thế mạnh của lĩnh vực nông nghiệp đối với phát triển kinh tế. Từ đó, chúng ta cần tập trung nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng sự ổn định của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

“Đây là nhận định rất mới của Chính phủ và mong rằng Chính phủ quan tâm hơn đến lĩnh vực này”, đại biểu Vũ Quang Hải kiến nghị.

Tiền tệ: tránh lúc nóng – lúc lạnh

Nhấn mạnh đến 6 giải pháp mạnh của Chính phủ đã đi đúng hướng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ lưu ý khi thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ. “Tôi đề nghị phải hết sức linh hoạt để tránh lặp lại, không để thắt chặt quá mức cần thiết sẽ gây ra suy giảm tăng trưởng kinh tế”, đại biểu bày tỏ.

Các đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị Chính phủ quan tâm đến những bất cập của nền kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, để hạn chế tình trạng “lúc nóng – lúc lạnh”, “lúc co – lúc giãn” với mục tiêu tăng trưởng GDP hơn là phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ phải có giải pháp quản lý, điều hành thực sự hiệu quả, tránh tình trạng đầu cơ, độc quyền, làm giá như đã xảy ra đối với thị trường thuốc tân dược, sữa, vàng, ngoại tệ…

“Trước mắt, tôi đề nghị Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu công và đảm bảo công khai minh bạch trong việc rà soát, cắt giảm kinh phí của các bộ, ngành địa phương. Không để tình trạng chạy tiêu chí, chạy các chỉ tiêu cắt giảm để né tránh bị cắt giảm đầu tư từ ngân sách và làm méo mó các chính sách đang được triển khai. Nhất là phải thực hiện gương mẫu từ trên xuống dưới”, đại biểu Nguyễn Tâm nêu ý kiến.

Nguồn www.chinhphu.vn