Tộc họ tự quản về an ninh trật tự: Mô hình nhiều lợi ích

Không chỉ dừng lại với mục tiêu ban đầu là đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội, xây dựng mối đại đoàn kết dân tộc, đến nay mô hình tộc họ tự quản về ANTT trên địa bàn huyện Bác Ái còn phát huy nhiều lợi ích trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Với đặc trưng các thành viên trong cùng một tộc họ có sự gắn kết chặt chẽ trong lao động, sinh hoạt; sự hỗ trợ tích cực giữa các tộc họ trong cùng một khu dân cư, dựa vào lợi thế này, cấp ủy, chính quyền huyện Bác Ái đã phối hợp với công an huyện triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình tộc họ tự quản về ANTT đến các xã. Qua 10 năm triển khai, toàn huyện đã có 23 tộc họ được thành lập và duy trì tốt hoạt động. Các vụ việc liên quan đến ANTT và những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân cơ bản được phát hiện và giải quyết dứt điểm, không để phát sinh điểm nóng, qua đó góp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, giữ vững ANTT tại địa phương. Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Mô hình tộc họ tự quản về ANTT đã phát huy hiệu quả trong huy động người dân tham gia tích cực phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Bằng uy tín, sự từng trải và nắm chắc thực tiễn địa phương, các tộc trưởng, già làng, người uy tín trong tộc họ chủ động tuyên truyền, giáo dục từ con cháu trong gia đình đến tộc họ, thôn, xóm về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn giữa các thành viên tộc họ, từ đó, giảm đi gánh nặng cho cấp xã và huyện về các vụ việc liên quan đến ANTT. Thêm vào đó, các tộc họ còn triển khai hiệu quả phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; vận động học sinh đến lớp; bảo vệ rừng cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống của cộng đồng dân tộc Raglai.

Chính quyền xã Phước Thành (Bác Ái) thường xuyên trao đổi về tình hình hoạt động các tộc họ tự quản về ANTT trên địa bàn xã.

Phước Thành là địa phương đầu tiên của huyện Bác Ái triển khai thực hiện mô hình tộc họ tự quản về ANTT. Trong đó, tộc họ Chamaléa được cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn làm điểm triển khai vào năm 2010. Sau khoảng 2 năm đi vào hoạt động, mô hình không những quản lý tốt các đối tượng từng vi phạm pháp luật, thanh niên cộm cán; giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các cặp vợ chồng, thành viên trong tộc họ mà còn đóng vai trò giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó giảm nghèo bền vững. Theo đó, tộc họ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong hỗ trợ lao động, sản xuất cho các thành viên như: Xây dựng nhóm vần đổi công; hỗ trợ con giống, vật nuôi; phối hợp với chính quyền địa phương cho các hộ nghèo được vay vốn ưu đãi cũng như tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi. Ban đầu tộc họ có 36 hộ nghèo, qua 2 năm đã kéo giảm xuống còn 25 hộ nghèo. Thấy được những tác động tích cực mà mô hình đã mang lại, các tộc họ khác tại địa phương đã học hỏi và đồng loạt triển khai. Tính đến nay, toàn xã Phước Thành đã có 13 tộc họ triển khai mô hình tộc họ tự quản về ANTT, qua đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ngoài định hướng chung là huy động người dân tham gia tích cực phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tộc họ Bình Tô tại xã Phước Bình cũng có nhiều hướng đi mới nhằm phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của người Raglai; gây quỹ hiếu học, vận động học sinh đến lớp. Đáng kể đến là tộc họ đã phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh trong quản lý và giáo dục con em, không để tình trạng bỏ học, nghỉ học cách nhật xảy ra, đồng thời cùng các già làng, người uy tín trong tộc họ tuyên truyền bà con lưu giữ, bảo tồn truyền thống văn hóa Raglai như: nhạc cụ dân tộc, hát sử thi và bài trừ các hủ tục lạc hậu trong đời sống. Đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình khẳng định rằng: Mặc dù tại địa phương chỉ có một tộc họ triển khai mô hình nhưng đã có những tác động tích cực đến đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân. Mô hình không những giải quyết các vấn đề ANTT trong tộc họ mà còn giúp các thành viên có ý thức bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, tộc họ Bình Tô đã phối hợp cùng chính quyền địa phương duy trì hoạt động hiệu quả nhóm nhạc cụ dân tộc gồm 20 người. Đây được xem là tiền đề để địa phương phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Với những kết quả đáng ghi nhận trên, mô hình tộc họ tự quản về ANTT tại huyện Bác Ái đang khẳng định rõ vai trò quan trọng không chỉ mang đến đến sự bình yên cho từng xóm, làng mà còn góp phần không nhỏ trong thay đổi tư duy, lối sống tích cực cho bà con dân tộc thiểu số về phát triển kinh tế-xã hội gắn với lưu giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống người Raglai.