Phát huy vai trò của nhân dân qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Theo Ban Chỉ đạo Tỉnh uỷ về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, trong năm qua, các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc công khai minh bạch theo những nội dung đã quy định của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) “thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 149/2018/NĐ-CP về thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở.

Công tác đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được quan tâm.

Ở các xã, phường, thị trấn, việc thực hiện QCDC đã được cấp ủy, UBND quan tâm chỉ đạo, thực hiện như: Công khai để Nhân dân biết 11 vấn đề về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư…Công tác đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền với cán bộ và Nhân dân đã được các địa phương chú trọng. Cụ thể trong năm cấp xã, phường, thị trấn đã có 64 cuộc đối thoại, song song đó còn có 36 cuộc cấp huyện, 10 cuộc cấp tỉnh; qua công tác đối thoại đã giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị của các tổ chức và Nhân dân, tạo được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp, điển hình như huyện Ninh Phước. Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chỉ đạo giải quyết kịp thời, theo đúng quy định pháp luật. Năm 2019 tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 1.268 đơn/1.268 đơn, đạt tỷ lệ 100%, trong đó, giải quyết 133/135 đơn khiếu nại và giải quyết 18/18 đơn tố cáo. UBND các huyện, thành phố, đã tiếp nhận và xử lý 977 đơn/977 đơn, đạt tỷ lệ 100%.

Đặc biệt qua tăng cường đẩy mạnh công tác dân vận, gắn với việc thực hiện QCDC ở cơ sở, công tác cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” thực hiện hiệu quả; giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn, góp phần phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Đến tìm hiểu việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên các địa bàn huyện, thành phố, chúng tôi được biết nhiều nơi đã gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, xuất hiện mô hình quản lý các tuyến đường nông thôn, khu phố do Mặt trận, các đoàn thể đảm nhiệm; mô hình hiến đất để làm đường nông thôn, kênh mương nội đồng đã nhân rộng và được đông đảo quần chúng Nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực… Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát cộng đồng, tổ hòa giải, tổ tự quản được duy trì, thực hiện chức năng thanh tra, giám sát ở cơ sở, nhất là thanh tra việc thực hiện các chế độ chính sách, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của Nhân dân; việc sử dụng các nguồn vốn huy động của Nhân dân; công tác quản lý đất đai; công tác cải cách thủ tục hành chính; đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; giám sát việc đầu tư, thi công các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng NTM và đô thị văn minh. Cụ thể các Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát cộng đồng trong toàn tỉnh đã thực hiện 309 cuộc thanh tra, kiến nghị giải quyết 149 vụ việc; giám sát 193 cuộc, số vụ việc phát hiện sai phạm, kiến nghị giải quyết 25 vụ việc.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC cơ sở ở tỉnh ta vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn có nơi thực hiện một số nội dung theo quy định tại Pháp lệnh số 34 còn hạn chế, nhất là việc niêm yết các thủ tục hành chính chưa đúng với quy định; công tác xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước trong cộng đồng dân cư còn mang tính hình thức, rập khuôn. Công tác phối hợp giải quyết những bức xúc ở cơ sở thiếu đồng bộ, chưa thống nhất quan điểm; chưa đúc kết kịp thời những mô hình mới hiệu quả. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn lúng túng trong kiểm tra, giám sát các các dự án, công trình đầu tư xây dựng tại địa phương.

Để khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế và tiếp tục đổi mới việc thực hiện QCDC ở cơ sở, theo đồng chí Cao Văn Hóa, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở, trong năm 2020 phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc thực hiện công khai, minh bạch ở các loại hình dân chủ; nhất là việc lấy ý kiến Nhân dân tham gia về các nội dung nhân sự, báo cáo chính trị phục vụ cho đại hội Đảng các cấp, các chương trình, dự án, giải tỏa, đền bù, hỗ trợ, tái định cư, định canh; chủ động nắm chắc tình hình và giải quyết kịp thời những bức xúc chính đáng của Nhân dân. Đặc biệt là đẩy mạnh việc phối hợp thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.