Vai trò doanh nghiệp ngày được khẳng định

Với phương châm “không ngồi chờ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến”, những năm gần đây, tỉnh ta đã chủ động đổi mới công tác xúc tiến, mời gọi theo hướng chiều sâu, chọn lựa những nhà đầu tư có quyết tâm và năng lực tốt nhất. Đi liền với đó là sự linh hoạt trong triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Nhờ đó, số lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong chuỗi thành tích đạt được, nổi lên là việc UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN. Ban hành nhiều quyết định, nghị quyết hỗ trợ tài chính, tín dụng, thủ tục về thuế, hỗ trợ DN khởi nghiệp; đổi mới, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, thủ tục cấp phép xây dựng và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án để giao đất sạch cho DN. Bên cạnh đó, một số chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho DN theo các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ cũng được tỉnh chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện cho DN phát triển thuận lợi.

Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: V.M

Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách nói trên, năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp tỉnh ta có số DN thành lập mới tăng cao, tăng 24,8% so cùng kỳ; nâng tổng số DN đang hoạt động đến tháng 12-2019 lên 3.173 DN, với tổng vốn đăng ký 51.780 tỷ đồng. Đặc biệt, số người dân của tỉnh/1 DN được rút ngắn nhanh hơn, nếu ở thời điểm năm 2015 có 280 người dân/1 DN, đến nay còn 186 người dân/1 DN (cả nước 134 người dân/DN). Nhìn chung, sau khi đăng ký thành lập, hầu hết các DN đều hoạt động ổn định và chấp hành tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp. Hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 28.300 lao động, chiếm 35,8% lực lượng lao động trong các cơ sở kinh tế, đồng thời đóng góp khoảng 77% tổng thu ngân sách nội địa, trên 47% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và hơn 20% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) cho địa phương.

Đa số DN của tỉnh là DN nhỏ và vừa, chiếm trên 98% tổng số DN đang hoạt động, nhưng đáng ghi nhận là hiện có nhiều DN đã năng động nắm bắt cơ hội chuyển hướng kinh doanh vào các ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh như năng lượng tái tạo, du lịch, bất động sản…, tạo hướng phát triển ổn định, lâu dài, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, vai trò của DN cũng ngày càng được thể hiện rõ, nhất là việc ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mặt khác, các DN còn tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tiền mặt, vật liệu xây dựng để các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng...

Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Ninh Thuận là một trong những doanh nghiệp có mức đóng góp cao
vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Ảnh: V.M

Sự trưởng thành và từng bước lớn mạnh của cộng đồng DN trong tỉnh đã kéo theo sự thành công mang tính toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, trong các năm 2018 và 2019, tỉnh ta liên tục hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, năm 2019 quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,8 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 50,4 triệu đồng, tăng gấp 1,82 lần so với 2015. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, từng bước phát triển theo hướng công nghiệp và dịch vụ; tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 38,7% năm 2015 xuống còn 33% năm 2019; tương ứng ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 22,4% lên 27% và các ngành dịch vụ tăng từ 38,9% lên 40% trên tổng GRDP của tỉnh. Đặc biệt, thu ngân sách năm 2018 đạt gần 3.000 tỷ đồng, đến năm 2019 đã vượt qua ngưỡng 4.000 tỷ đồng, giúp Ninh Thuận về đích trước 3 năm so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Đón đầu xu thế đầu tư mới, trong năm 2020, tỉnh ta phấn đấu nâng tổng số DN trên địa bàn lên khoảng 4.000 DN; tổng giá trị gia tăng của khu vực DN chiếm từ 28-30% trong tổng GRDP và nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN chiếm trên 70% trong tổng số thu nội địa. Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh xác định trước hết phải quan tâm rà soát và thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính theo hướng giảm đầu mối thực hiện, giảm thủ tục giải quyết, giảm thời gian chờ đợi của DN, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bám sát chức năng, nhiệm vụ để tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với DN, nhất là với đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp làm việc với DN để hỗ trợ, đồng hành cùng DN. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và trả lời kiến nghị của DN thông qua Chuyên mục hỏi - đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Cùng với các giải pháp, chính sách hỗ trợ kể trên, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) và các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy. Chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN. Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển DN theo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nhất là các hoạt động hỗ trợ khuyến khích DN khởi nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh sang DN. Duy trì tổ chức Hội nghị gặp mặt DN định kỳ hằng tháng để trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, nghe các DN, nhà đầu tư phản ánh, hiến kế, kiến nghị các vấn đề khó khăn, vướng mắc, qua đó có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời cho DN.