Gió “Phang” nắng “Rang” và bài toán kinh tế năng lượng

Từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, sự quyết đoán, năng động và sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, người dân vùng dự án đã biến “giấc mơ” đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước đã thành sự thật. Gió Xuân, nắng Xuân đang về trên những cánh đồng điện gió, điện mặt trời.

Biến cái không thể thành có thể

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 nhận định, địa phương đang phát triển trong điều kiện nội lực yếu, nhất là sau khi Quốc hội biểu quyết dừng triển khai dự án 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, cần phải có những bước đi hợp lý để tạo nên một tổng lực phát triển bền vững. Nắng và gió vốn là thứ khiến mảnh đất Ninh Thuận khắc nghiệt trở thành lợi thế trong việc tạo năng lượng điện gió và điện mặt trời. Tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát khoa học về lượng gió, nắng để tiến tới quyết định biến cái không thể thành có thể, nghĩa là biến khó khăn do gió, nắng gây ra lâu nay thành lợi thế, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển NLTT. Thay cho điện hạt nhân, Ninh Thuận được tạo điều kiện trở thành một “cục pin” của cả nước dưới dạng khác: NLTT thay thế bằng việc thu hút các dự án NLTT sạch hơn, phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh và cả nước.

Toàn cảnh Tổ hợp Điện gió, điện mặt trời Trung Nam. Ảnh: Hữu Phương

Với phường châm: “Tỉnh luôn trân trọng chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển NLTT cũng như các lĩnh vực khác. Ngoài những tiềm năng phong phú, tỉnh còn có các cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả cũng như quyết tâm cao độ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh sẽ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh”. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân ở các vùng dự án NLTT triển khai, giai đoạn 2015-2020 Ninh Thuận trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực NLTT. Những “cánh đồng” điện gió, điện mặt trời xuất hiện rộng khắp trên địa bàn tỉnh, hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 30 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.817 MW, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng và 11 dự án điện gió tổng công suất hơn 630 MW, tổng vốn đầu tư hơn 22.100 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực và cấp quyết định chủ trương đầu tư. Đến nay, đã vận hành được 20 dự án với tổng công suất đưa vào khai thác 1.219,9 MW (17 dự án điện mặt trời với công suất 1.154,6 MW và 3 dự án điện gió với công suất 117 MW). Dự kiến đến cuối năm 2020 có 12 dự án với tổng công suất 614 MW tiếp tục đưa vào vận hành thương mại, góp phần quan trọng giải quyết an ninh năng lượng quốc gia.

Đến bây giờ, Ninh Thuận không chỉ dừng lại ở những nhà máy, cánh đồng điện gió, điện mặt trời, mà các mô hình mới về tổ hợp NLTT đã được triển khai tại tỉnh. Trong đó phải nói đến Dự án Trung tâm Điện lực Cà Ná công suất 6.000 MW, gồm 4 nhà máy điện khí sử dụng khí LNG nhập khẩu, vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Hiện các bộ, ngành đang thẩm định bổ sung dự án vào Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VIII quốc gia và thẩm định chủ trương đầu tư dự án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư trong năm 2020. Khi hoàn thành đưa vào khai thác, Dự án không chỉ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh, mà còn đóng góp cho sự phát triển của khu vực và quốc gia. Đặc biệt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh, trong bối cảnh khu vực Nam bộ sẽ thiếu điện trong các năm tới.

Tạo động lực phát triển

Ninh Thuận đang dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhóm ngành NLTT để trở thành một trong các nhóm ngành trụ cột của địa phương, từng bước xây dựng tỉnh trở thành trung tâm NLTT của cả nước. Phát triển điện NLTT, ngoài mục đích khai thác tiềm năng đất đai, môi trường để giải quyết bài toán năng lượng phục vụ phát triển bền vững KT-XH, tỉnh coi đây là một trong những giải pháp thiết thực nâng cao đời sống người dân trong các vùng dự án. Tác động của các dự án NLTT đã và đang thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển; biến những vùng đất cằn cỗi, hoang hóa không có giá trị sản xuất ở địa phương trở thành “mỏ vàng” đối với các nhà đầu tư; đồng thời giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng đất gió, nắng Ninh Thuận”.

Năng lượng điện mặt trời Hacom Solar được đầu tư tại xã Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Minh chứng, việc đón nhận nhiều dự án đầu tư NLTT đã góp phần quan trọng cho phát triển của địa phương, nâng cao đời sống người dân. Làn sóng đầu tư mới vào các nhóm ngành trụ cột về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch... đã góp phần tạo nên nhiều gam màu sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Năm 2019, 15/15 chỉ tiêu phát triển KT-XH đã vượt kế hoạch đề ra; GRDP tăng 13,18%; ngành công nghiệp - xây dựng có bước tăng trưởng khá ngoạn mục, đạt giá trị sản xuất gần 13.688 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Năm 2019 toàn tỉnh thu ngân sách hơn 4.050 tỷ đồng, vượt 150% dự toán giao, trong đó thu từ các dự án NLTT gần 1.300 tỷ đồng. Nguồn thu lớn để tỉnh có thêm điều kiện thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo được tốt hơn. Theo dự báo, các dự án NLTT khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Theo quy hoạch phê duyệt, nếu tính cả các dự án điện gió và điện mặt trời đang trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch là trên 5.800 MW cộng với Dự án Trung tâm Điện lực Cà Ná công suất 6.000 MW đã được Chính phủ đồng ý bổ sung phê duyệt là 11.800MW khi đi vào hoạt động, mỗi năm tỉnh sẽ thu thuế từ nguồn NLTT này trên 11.000 tỷ đồng (bình quân mỗi MW thu thuế VAT gần 1 tỷ đồng/năm), chưa kể các nguồn thu khác từ đầu tư, xây dựng, giải quyết công ăn việc làm từ các dự án NLTT. Chỉ riêng với số thu trên, bài toán cân đối thu chi ngân sách, không phải ngân sách Trung ương cấp bù được Thủ tướng Chính phủ gợi ý cho tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Ninh Thuận tháng 8-2016 đã có câu trả lời.

Cùng với các nghị quyết, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng hưởng ứng của người dân, Ninh Thuận từng bước trở thành trung tâm NLTT của cả nước. Thế nên, ký ức về vùng đất gió, nắng, khô cằn dần lùi vào quá khứ, để nhường chỗ cho những dự án điện gió, mặt trời và các dự án NLTT khác. Ninh Thuận giờ đây vươn cao như những ngọn gió Xuân, sáng tươi như ánh nắng mùa Xuân.