Để tàu cá vươn khơi và hành trình của ngư dân

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 11/2013/NQ/HĐND, ngày 18-12-2013 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt triển khai Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013- 2020”, nghề cá ven bờ đã sắp xếp lại và tàu khai thác hải sản xa bờ được phát triển một cách hợp lý. Song song đó, việc triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về “một số chính sách phát triển thủy sản” đã tạo chất xúc tác cho tàu cá tỉnh nhà vươn khơi.

Phát triển năng lực tàu cá

Cuối tháng chạp se lạnh, có dịp trò chuyện với một số ngư dân vay vốn dự án “67”, chúng tôi được biết với việc đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu, nâng công suất máy cho phù hợp, ngư dân có điều kiện đi đánh bắt xa bờ, tăng sản lượng khai thác so với những năm trước. Sự phát triển năng lực tàu cá thấy rõ, đơn cử nếu năm 2018, tỉnh ta có 518 chiếc tàu cá đi khai thác xa (trong đó có 460 tàu khai thác, 38 tàu dịch vụ), thì cuối năm 2019 đã tăng lên 610 chiếc (trong đó có 567 tàu khai thác, 43 tàu dịch vụ). “Tôi được vay 6,5 tỷ đồng, sau khi đóng xong tàu, từ tháng 3-2016 tôi bắt đầu hạ thủy và làm dịch vụ hậu cần nghề cá, vươn khơi xa nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển hơn, thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng theo đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng”-ông Võ Ngọc Minh, cư trú khu phố 9, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), chủ tàu gỗ “67” công suất 940 CV (vỏ dài trên 22 m) chia sẻ.

Nhiều ngư dân trong tỉnh đầu tư, nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ, tăng sản lượng khai thác.

Năm 2018, ngay khi chuyển sang thực hiện theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014, có hiệu lực từ ngày 25-3-2018, đã có 10 ngư dân tỉnh ta đăng ký dự án đóng tàu. Theo Nghị định này có một số thay đổi, trong đó có việc dừng chính sách cho vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá của Nghị định số 67/2014; đồng thời bổ sung chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu đóng mới tàu cá (vỏ thép, cỏ composite) có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên. Thực hiện Nghị định số 17/2018/NĐ-CP, trong năm qua tỉnh ta đã có 12 dự án tàu đóng mới được ngành chức năng phê duyệt và đã có 6 tàu hoàn thành, trong đó có 4 tàu đã đi vào hoạt động. Một trong những chủ tàu cá trên là anh Trịnh Xuân Hải, khu phố 9-Tân Thành, phường Đông Hải (TP Phan Rang-Tháp Chàm) vừa hạ thủy tàu lưới rê 800 CV (vỏ composite dài 22,5m) bộc bạch: Tàu này có kinh phí đầu tư gần 12 tỷ đồng, trong đó có 4,2 tỷ đồng hỗ trợ theo nghị định 17, chúng tôi chỉ còn hoàn tất vài thủ tục hành chính là ra khơi ngay.

Hành trình tàu cá vươn khơi

Nhìn lại năm 2019, có thể nhận ra năng lực tàu cá của tỉnh ta có nhiều biến động do giảm mạnh tàu cá dưới 20 CV và tăng tàu cá công suất lớn. Đến nay, chỉ tính số tàu cá công suất từ 90 CV trở lên, toàn tỉnh có 1.640 chiếc, tăng 521 chiếc so với năm 2014; riêng tàu cá từ 400 CV trở lên có 385 chiếc, trong đó có 81 chiếc từ 700 CV trở lên và 3 chiếc có công suất trên 1.000 CV.

Ngư dân Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) khai thác hải sản hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Trong năm, dù thời tiết, ngư trường có những diễn biến bất thường, nhưng ngư dân tỉnh nhà vẫn chủ động đánh bắt hiệu quả với tổng sản lượng hải sản khai thác ước khoảng 113.436,50 tấn, vượt 0,1% kế hoạch và tăng 6,16% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu tàu cá theo đó cũng đang dịch chuyển đáng kể, số lượng tàu có vỏ dài từ 15 m trở lên (tức tàu khai thác xa bờ theo Luật Thủy sản 2017 quy định) đã có 623 chiếc, trong đó chiếm 59% làm nghề lưới vây, 15% làm nghề lưới rê, 10% làm nghề câu, còn lại là các nghề khác. 

Tàu khai thác xa bờ chính là loại tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 25-4-2019) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Theo ghi nhận của chúng tôi, tính đến cuối tháng 11-2019 toàn tỉnh đã có 36 tàu lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tuy nhiên đến nay con số tàu cá đã lắp đặt trong thực tế còn cao hơn gấp nhiều lần. Anh Nguyễn Thanh Xuân, thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm (Thuận Nam) có 1 tàu câu, 1 tàu pha xúc công suất đều 400 CV (vỏ dài 15m và 15,2 m) cho biết: Cả 2 tàu của tôi đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đúng chuẩn, qua thiết bị kết nối, từ đất liền tôi có thể theo dõi trực tuyến hành trình tàu cá giữa biển bằng điện thoại di động rất tiện.

Thiết bị giám sát hành trình Thuraya SF2500 đạt chuẩn trên tàu cá của anh Trịnh Xuân Hải, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Là một phần của biển Đông Tổ quốc, vùng biển tỉnh ta được đánh giá là ngư trường khai thác lớn của cả nước với trữ lượng 120.000 tấn hải sản, có nhiều tiềm năng lợi thế đang dần được đánh thức bởi một số chương trình, dự án đầu tư lớn. Từ thực tế điều kiện trên, việc tập trung phát triển hoạt động khai thác hải sản với mục tiêu hướng ra khơi xa luôn được chú trọng. Trên hành trình đó, theo anh Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ngư dân tỉnh ta khi vươn khơi đều phải chú ý lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đạt chuẩn. Tuân thủ việc làm này tức là thực hiện được một trong những khuyến nghị của EC (Ủy ban châu Âu) về IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.