Bước phát triển của kinh tế tỉnh nhà

Với tinh thần chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sát với tình hình thực tế, kết thúc năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tất cả 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 13,18%. Riêng thu ngân sách đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ.

Tạo đột phá mới trong tăng trưởng kinh tế

Xác định năm 2019 là năm bứt phá thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã đề ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu và 169 nhiệm vụ cụ thể để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; đồng thời, triển khai kịch bản tăng trưởng với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Nhờ đó, đây là năm thứ 2 tất cả 15/15 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó có một số chỉ tiêu như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, GRDP bình quân đầu người... vượt kế hoạch rất cao, đặc biệt thu ngân sách về đích trước 3 năm so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Điều đó cho thấy, nền kinh tế của Ninh Thuận đang sáng dần lên.

Nổi bật trong chuỗi các chỉ tiêu đạt được, đó là ngành công nghiệp - xây dựng đạt tổng giá trị sản xuất 14.435 tỷ đồng, tăng 27,7% so cùng kỳ. Trong đó, khâu đột phá về năng lượng tái tạo được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả khá tích cực, trong năm 2019 đã khởi công mới 3 dự án điện gió/151,5 MW; 12 dự án điện mặt trời/594 MW; đã hoàn thành 6 trụ điện gió/14,1 MW và 17 dự án điện mặt trời/1.142,99 MW; đã hòa lưới điện 1.154,69 MW/17 dự án, nâng tổng số điện hòa lưới lên 1.219,915 MW/20 dự án (gồm điện gió 116,925 MW/3 dự án, điện mặt trời 1.102,99 MW/17 dự án). Tiếp đến là ngành nông, lâm, ngư nghiệp giá trị sản xuất đạt 11.543 tỷ đồng, tăng 6,3%. Các ngành dịch vụ như: Thương mại, du lịch, vận tải... có nhiều khởi sắc, với giá trị sản xuất đạt 10.974 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ.

Năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Ảnh: D.A

Công tác thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, tạo làn sóng đầu tư mới, thu hút các tập đoàn, tổng công ty lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, kinh doanh bất động sản... Đến ngày 12-11-2019, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương địa điểm cho 34 dự án, với tổng vốn 24.253 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm tăng khá, với hơn 500 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động hiện có lên 3.173 doanh nghiệp. Trong năm, UBND tỉnh còn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước của các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán (Dự án WEIDAP/ADB8), Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná, Dự án đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Cà Ná, Đập hạ lưu Sông Dinh, Hồ chứa nước Sông Than...

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh; đầu tư hạ tầng truyền tải tích hợp các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia và giải phóng công suất các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 115/NQ-CP và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả bước đầu. Với sự vào cuộc, kiến nghị quyết liệt của UBND tỉnh, đến nay Tập đoàn điện lực Việt Nam đã triển khai tích cực đầu tư một số công trình hạ tầng lưới điện 110kV, 220kV góp phần tăng khả năng mang tải và giải tỏa công suất của lưới điện khoảng 500MW; dự kiến đến cuối năm 2020 khi các hạ tầng lưới điện do EVN đầu tư hoàn thành đưa vào vận hành sẽ giải tỏa công suất thêm 1.360MW. Đây là niềm tin, động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh quyết tâm thực hiện đạt nhiều thành tựu mới trong những năm tới.

Khơi dậy tiềm năng, nội lực để phát triển

Trong mấy năm gần đây, thành tích phát triển kinh tế của Ninh Thuân được cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh cao dần đều. Đà tăng trưởng được xác lập vững. Sức hấp dẫn đầu tư của tỉnh tăng rõ rệt. Do đó, kỳ vọng mà tỉnh đề ra trong năm 2020 đó là phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11-12%; GRDP bình quân đầu người đạt 59 - 60 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 28-29%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31-32%, dịch vụ chiếm 39-40%. Phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.500 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 23.000 – 25.000 tỷ đồng. Giải quyết việc làm mới cho khoảng 16.500 lao động. Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) từ 1-1,5%. Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có công trình hợp vệ sinh đạt 80%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 49-50%...

Phát triển kinh tế biển góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ

Để hướng tới thành công, tại kỳ họp thứ mười một, HĐND tỉnh khóa X tổ chức vào cuối năm 2019, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được UBND tỉnh đề ra. Trong đó, trọng tâm là triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 416/TB-VPCP để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các khâu đột phá, trụ cột về phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án động lực thay thế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đẩy mạnh khởi nghiệp doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Những gợi ý, chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp là thông điệp nhắc nhở lãnh đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành; trong năm mới 2020 cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chú trọng phân tích, nhận định lại các lợi thế, điều kiện phát triển mới, để chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng theo hướng chú trọng khai thác những tiềm năng, lợi thế so sánh. Ở một tầm nhìn rộng hơn, phải tạo được cơ chế thu hút nguồn lực thông qua công tác quản lý và huy động tốt nhất nguồn lực đất đai, nguồn lực các thành phần kinh tế để khai thác hiệu quả các nhóm ngành đột phá, trụ cột. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; huy động nguồn lực xã hội đẩy mạnh hoàn thành quy hoạch chung khu vực phía Bắc và vùng ven biển phía Nam làm cơ sở thu hút đầu tư vào khu vực này.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, phổ biến kịp thời các chủ trương, quyết sách lớn, các kế hoạch triển khai của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, nhằm tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ và xây dựng chính quyền điện tử. Thực hiện tốt các chương trình, đề án đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đối với các nhóm ngành trụ cột, đột phá, với quyết tâm phấn đấu cao nhất để thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh giao trong năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.