Triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Điện mặt trời kết hợp đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia

Ngày 14-1, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung quy hoạch dự án Nhà máy Điện mặt trời tại xã Phước Minh (Thuận Nam) và đầu tư kết hợp với hạ tầng lưới điện truyền tải 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.

Xét đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 8155/BCT-ĐL ngày 28-10-2019 về việc bổ sung nhà máy điện mặt trời Phước Minh - Thuận Nam, kết hợp trạm biến áp 500kV và các đường dây đấu nối vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (sau khi đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận tại văn bản số 3691/UBND-KTTH ngày 28-8-2019), ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (văn bản số1592/UBKHCNMT14 ngày 16-12-2019) về chủ trương đầu tư nhà máy điện mặt trời kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải điện trên địa bàn huyện Thuận Nam; căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2-12-2019 của Chính phủ về việc ban hành danh mục các quy hoạch tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương với các nội dung: Bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450MW tại xã Phước Minh (Thuận Nam) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh; triển khai đầu tư dự án điện mặt trời nêu trên kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020) để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại hội nghị.

Theo đó, tổng diện tích khu vực nhà máy khảo sát khoảng 789,86ha, sau khi trừ đi vùng loại trừ bao gồm: Quy hoạch hồ số 7, hành lang an toàn tuyến đường dây điện, khu vực địa hình không bằng phẳng, diện tích dự kiến xây dựng nhà máy khoảng 533,7 ha. Trong đó, Trạm biến áp 33/220/500kV Thuận Nam (Nhà máy điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam) với quy mô công suất 3x900MVA. Giai đoạn năm 2020 lắp trước 2 MBA 900MVA vận hành đồng bộ với nhà máy, 1 MBA dự phòng cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu lên lưới điện khu vực trong tương lai. Đầu tư đường dây 500kV mạch kép từ TBA 500kV Thuận Nam về TBA 500kV Nhiệt điện Vĩnh Tân, dài khoảng 15,5km ; xây dựng 4 mạch đường dây 220kV từ TBA 500kV Thuận Nam rẽ nhánh lên trục đường dây 220kV Tháp Chàm-Vĩnh Tân, dài khoảng 2km ; đầu tư mở rộng 2 ngăn xuất tuyến 500kV tại TBA 500kV Nhiệt điện Vĩnh Tân…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương xác định rõ các yêu cầu về phạm vi đầu tư, quản lý vận hành và các vấn đề liên quan khác để hướng dẫn việc lựa chọn nhà đầu tư, quản lý quá trình đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22-11-2019 của Văn phòng Chính phủ về việc nghiên cứu xử lý triệt để những vấn đề vướng mắc về giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời đang hoạt động, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng lưới điện để truyền tải hết công suất các nhà máy điện mặt trời đang vận hành thương mại theo quy định, không để xảy ra tình trạng giảm phát các nhà máy điện làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đối với nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện khó khăn về cung ứng điện như hiện nay. Đồng thời, sớm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh (Thuận Nam) kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.