Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại: Cần những cú “huých” mạnh

Quy hoạch Phát triển và đầu tư xây dựng hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại giai đoạn 2011-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1599/2014/QĐ-UBND với mục tiêu đặt ra là phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, hạ tầng thương mại được đầu tư mở rộng.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh có 71 dự án chợ, 5 dự án siêu thị, 2 dự án trung tâm thương mại và 1 dự án trung tâm thương mại- khách sạn cao cấp được đầu tư xây dựng. Qua một thời gian thực hiện quy hoạch, đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kích thích sản xuất phát triển.

Người tiêu dùng mua sản phẩm tại siêu thị Coop-mart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ

Xác định việc phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, đảm bảo thị trường ổn định, nên sau khi UBND tỉnh phê quyệt quy hoạch, Sở Công Thương tiến hành công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông để các tổ chức, cá nhân biết, đăng ký thực hiện. Nhờ chú trọng công tác quảng bá, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nên đến nay có 19 dự án chợ đã và đang triển khai xây dựng, với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Trong đó, 11 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 49,5 tỷ đồng. Đối vơi dự án trung tâm thương mại, đã hoàn thành Trung tâm thương mại Vicom Plaza Ninh Thuận và 1 dự án trung tâm thương mại khách sạn cao cấp đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Thương mại du lịch Nha Trang, hiện doanh nghiệp đang triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định.

Nhìn lại quá trình thực hiện quy hoạch để thấy, kết quả đạt đươc là đáng ghi nhận, tuy vậy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng thương mại còn chậm so với kế hoạch. Ngoài các dự án trung tâm thương mại đạt 100%, thì các dự án chợ chỉ mới đạt 27% nhiệm vụ kế hoạch. Riêng các dự án siêu thị trên địa bàn các huyện đến nay chưa triển khai được. Qua rà soát, phân tích, đánh giá, Sở Công Thương nhìn nhận nguyên nhân của hạn chế là do khó khăn trong huy động các nguồn lực để triển khai các dự án. Theo quy hoạch được duyệt, vốn đầu tư hạ tầng thương mại từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, đến nay ngân sách Trung ương chưa hỗ trợ; ngân sách tỉnh hạn chế, từ năm 2016 đến nay không phân bổ cho đầu tư phát triển chợ. Trong khi đó, công tác thu hút vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với chợ khu vực nông thôn hiệu quả đầu tư không cao, khả năng thu hồi vốn chậm nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc lựa chọn, bố trí quỹ đất, địa điểm đầu tư chợ có nơi chưa hợp lý; chưa giao mặt bằng đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Đơn cử, dự án Chợ trung tâm xã Phước Thuận (Ninh Phước) được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2016, nhưng đến tháng 12-2018 mới thực hiện xong công tác đền bù, giao đất cho chủ đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng có lúc còn vướng do người dân chưa thống nhất mức giá đền bù, nhà đầu tư phải tạm ứng vốn để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, điều này vừa tạo môi trường không thuận lợi cho doanh nghiệp vừa tăng chi phí đầu tư của dự án chợ. Chợ Xuân Hải (Ninh Hải) cũng được cấp quyết định đầu tư từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Chợ trung tâm huyện Thuận Bắc vừa được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu
giao thương hàng hóa của người dân trong khu vực.

Thời gian thực hiện quy hoạch không còn nhiều, nhưng khối lượng công việc còn lại rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại mới đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, bên cạnh giải quyết những bất cập nêu trên, Sở Công Thương đang tham mưu UBND tỉnh đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng thương mại đã được cấp phép; tiếp tục thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống chợ… Tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ tại các làng nghề truyền thống; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đủ năng lực có nhu cầu tham gia đầu tư phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của xã hội. Thực hiện tốt công tác phát triển và đầu tư xây dựng hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại giai đoạn 2011-2020 sẽ tạo tiền đề cho các bước quy hoạch tiếp theo, đồng thời từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của ngành Thương mại nói riêng và kinh tế-xã hội tỉnh nói chung.