Tự hào góp phần phát triển phong trào thanh niên Việt Nam

Nhìn lại lịch sử 70 năm qua (9/1/1950 - 9/1/2020), dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam đã từng bước trưởng thành lớn mạnh qua các thời kỳ cách mạng, trở thành niềm tự hào của lớp lớp thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam.

Trong đó, Hội Sinh viên Việt Nam tự hào đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển phong trào thanh niên Việt Nam bằng những hoạt động sáng tạo, thiết thực.

Tự hào truyền thống sinh viên việt Nam

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, nhiều tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước của Việt Nam đã lần lượt ra đời. Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của học sinh, sinh viên với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, trong đó phong trào “diệt giặc dốt” đã góp phần xóa nạn mù chữ cho đông đảo đồng bào, trước hết là một bộ phận không nhỏ trong thanh niên.

Các sinh viên tham gia phần thi Rung chuông tại hội thi “Học sinh, sinh viên với chính sách Bảo hiểm y tế”. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Hàng ngàn học sinh, sinh viên của các trường Thủ đô Hà Nội, thành phố Huế… hăng hái, tình nguyện ra các vùng ngoại vi của thành phố, về nông thôn cùng nông dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất để “diệt giặc đói”. Học sinh, sinh viên ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông.

Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng như: Bãi khoá, yêu sách cải tổ chính sách giáo dục, yêu sách chấm dứt khủng bố, đàn áp, bắt bớ học sinh, trả tự do cho các học sinh bị bắt… Tiêu biểu là vào ngày 9/1/1950, hơn 2.000 học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn đã đấu tranh đòi thả ngay những người bạn bị bắt và mở lại trường học. Trong cuộc đấu tranh ấy người thanh niên Trần Văn Ơn đã hy sinh anh dũng… Ngày 9/1 cũng được lấy là Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.

Trong giai đoạn đất nước bị chia cắt, học sinh, sinh viên và Hội liên hiệp Sinh viên Việt Nam (sau này là Hội Sinh viên Việt Nam) đã tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, hăng hái góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Hòa bình lập lại, đất nước hoàn toàn thống nhất, Hội sinh viên Việt Nam củng cố xây dựng tổ chức Hội sinh viên vững mạnh, thành lập hội sinh viên tại các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, thu hút đông đảo sinh viên tham gia; mặt khác cùng sinh viên cả nước đẩy mạnh các phong trào học tập, rèn luyện và góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy khẳng định, trải qua 70 năm, phong trào học sinh, sinh viên, Hội ngày càng lớn mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu, xứng đáng là lực lượng quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước. Bên cạnh nhiệm vụ chính là học tập, nhiều hoạt động của Hội đã lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, điển hình là các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Hiện nay, Hội có có 28 Hội cấp tỉnh, 44 tổ chức Hội cấp trường trực thuộc Trung ương, 10 Hội ở ngoài nước (Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Áo, Đức, Bỉ, Hungari, Anh, Thái Lan, Singapore) với hơn 1,2 triệu hội viên.

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy mong muốn sinh viên Việt Nam luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam. Bác dặn sinh viên phải luôn quyết tâm trau dồi cho bản thân “sáu cái yêu”: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, yêu khoa học và yêu kỷ luật”. Lời dặn của Bác là định hướng cho lý tưởng sống, mục đích học tập, nhiệm vụ của trí thức trẻ và trách nhiệm công dân của mỗi sinh viên Việt Nam.

Góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hội Sinh viên Việt Nam đã và đang góp phần giáo dục, bồi dưỡng để hình thành lớp học sinh, sinh viên mới “vừa hồng, vừa chuyên”: có lý tưởng, bản lĩnh vững vàng; hoài bão lớn, lối sống đẹp; kiến thức vững vàng, phong phú; có trách nhiệm với cộng đồng. Qua các thời kỳ, Hội đã triển khai nhiều phong trào, chương trình có ý nghĩa xây dựng nên hình ảnh đẹp của người sinh viên Việt Nam như: “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, "Sinh viên 5 tốt", “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Mùa hè xanh”, “Hiến máu nhân đạo”, "Tiếp sức mùa thi"… Bằng các hoạt động thiết thực, phong phú, Hội Sinh viên Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong mỗi bước trưởng thành của phong trào thanh niên Việt Nam.

Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương Trần Hữu và Phó Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương Trần Quyết Thắng
tuyên dương các cá nhân đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Đoàn khối các cơ quan Trung ương, tối ngày 3/1/2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong đó, phong trào “Sinh viên 5 tốt” được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chuyển tiếp từ cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” (trước đây là “Sinh viên 3 tốt”) nhằm hướng tới việc xây dựng hình ảnh sinh viên toàn diện với các tiêu chí: “Học tập tốt”, “Đạo đức tốt”, “Thể lực tốt”, “Tình nguyện tốt”, “Hội nhập tốt”. Hiện “Sinh viên 5 tốt” được coi là phong trào “xương sống” của Hội. Thông qua việc triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”, Hội Sinh viên Việt Nam đã tạo ra môi trường cho sinh viên tham gia rèn luyện toàn diện trên các mặt: Đạo đức, học tập, nghiên cứu khoa học, ý thức tình nguyện cộng đồng, kỹ năng hội nhập, sức khỏe thể chất.

Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết, ngay sau Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X nhiệm kì 2018 - 2023, Hội đã xác định “Sinh viên 5 tốt” tiếp tục là phong trào chủ đạo của sinh viên Việt Nam. Các hoạt động của Hội hiện nay đều xoay quanh các tiêu chí của phong trào này. Đến nay, phong trào đã triển khai được 11 năm và thu hút sự quan tâm, tham gia ngày càng lớn của đông đảo sinh viên; thực sự là môi trường lý tưởng để sinh viên phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Phong trào ngày càng khẳng định được tính cần thiết đối với sinh viên, được các cấp, ngành, doanh nghiệp công nhận như chuẩn đầu vào khi xin việc làm, lập nghiệp, khởi nghiệp sau này. Do đó, “Sinh viên 5 tốt” không chỉ là một danh hiêu mà là một quá trình để sinh viên rèn luyện cả 5 lĩnh vực; góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cũng cho biết, dù phong trào đã triển khai được 11 năm nhưng sinh viên thì mỗi năm lại mới. Do vậy, việc tuyên truyền để các bạn sinh viên hiểu về sự cần thiết của phong trào; môi trường rèn luyện, giá trị của danh hiệu, tích cực tham gia cũng là một thách thức. Bên cạnh đó, một số Hội Sinh viên cấp tỉnh, cấp trường chưa có sự hỗ trợ, bồi dưỡng thường xuyên cho sinh viên phấn đấu đạt danh hiệu.

Do đó, nếu các ngành (Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nhà trường, thầy cô giáo cùng quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian, tổ chức các hoạt động để sinh viên rèn luyện danh hiệu và ghi nhận sự rèn luyện thì phong trào sẽ ngày càng lớn mạnh.

Bởi lẽ, những kiến thức mà các bạn sinh viên tích lũy được khi tham gia phong trào “Sinh viên 5 tốt” của Hội sẽ là hành trang quan trọng và hữu ích để các bạn tự tin lập thân, lập nghiệp; qua đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

Theo TTXVN/Báo Tin tức