NGHỊ QUYẾT 115/NQ-CP CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Bài 2: Những chuyển biến tích cực từ vận dụng cơ chế đặc thù

Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ thực sự đã tạo ra động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển, tạo bước tăng trưởng vượt bậc về nhiều mặt kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt đã thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư vào tỉnh với nhiều ngành kinh tế mũi nhọn mà địa phương có thế mạnh phát triển.

Bứt phá về năng lượng tái tạo

Nghị quyết 115 của Chính phủ thống nhất chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trong đó, ưu tiên cho Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện mặt trời với mức 9,35 cent/kWh đến hết năm 2020 và xây dựng đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia. Qua đó, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên vùng đất nắng, gió.

Công trình năng lượng tái tạo đã biến những vùng đất khô cằn bật lên sức sống mới. Ảnh: NAT

Ông Trần Đức Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam, khẳng định: Nghị quyết 115 của Chính phủ cũng như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giá điện tái tạo và xây dựng trung tâm năng lượng sạch đã thôi thúc chúng tôi tìm đến Ninh Thuận. Với điều kiện thiên nhiên về tốc độ gió và giờ nắng cao nhất cả nước, Ninh Thuận thực sự là cơ hội đầu tư rất hấp dẫn. Với quyết tâm đầu tư và tiên phong trong phát triển năng lượng sạch tại Ninh Thuận, Tập đoàn Trung Nam đã thực hiện song song hai dự án điện gió và điện mặt trời, với tổng công suất gần 356MW. Qua vận hành thương mại giai đoạn I, bước đầu đã mang lại những hiệu quả rất tích cực.

Với tiềm năng lợi thế và vận dụng cơ chế ưu đãi, thời gian qua, Ninh Thuận đã thu hút mạnh các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiện là địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này. Đối với điện gió, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án với quy mô công suất 632,03 MW, tổng vốn đầu tư 25.855 tỷ đồng. Tính đến nay, có 3 dự án đã chính thức đưa vào vận hành thương mại, với tổng quy mô công suất 117,6MW, gồm: Nhà máy điện gió Đầm Nại, nhà máy điện gió Mũi Dinh và nhà máy điện gió Trung Nam. Về điện mặt trời, tỉnh cũng cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án với tổng công suất 1.816,8 MW, tổng vốn đăng ký 45.717,8 tỷ đồng. Đến nay, đã có 17 dự án, tổng quy mô công suất 1.103 MW chính thức đưa vào hoạt động. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ có thêm khoảng 15 dự án điện mặt trời, công suất trên 700 MW tiếp tục đưa vào vận hành thương mại.

Động lực tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực

Nghị quyết 115 của Chính phủ như làn gió mới, tạo động lực phát triển khá toàn diện về KT-XH của tỉnh. Không chỉ phát huy hiệu quả của chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, mà trên nhiều lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực.

Trên lĩnh vực du lịch, từ định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, khách sạn 5 sao, thể thao dưới nước, du lịch sinh thái… đã thu hút một số nhà đầu tư chiến lược. Trong năm 2019, Tập đoàn Crysal Bay đã tổ chức động thổ tổ hợp nghỉ dưỡng SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang với diện tích 3ha, tại Công viên biển Bình Sơn- Ninh Chữ tiện ích đẳng cấp thế giới, đã mở đầu cho thời kỳ mới của ngành Du lịch tỉnh nhà. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Crysal Bay-Chủ tịch Hiệp hội du lịch Ninh Thuận khẳng định: Với bờ biển trải dài, quanh năm nắng ấm, nhiều phong cảnh đẹp, hấp dẫn, Ninh Thuận như viên ngọc thô, được phát lộ, mài dũa để tạo nên sức hấp dẫn mới, hứa hẹn là điểm đến của du lịch đẳng cấp cao trong tương lai không xa…

Thực sự, du lịch Ninh Thuận đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Trong năm 2019, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án du lịch đẳng cấp cho các nhà đầu tư lớn như: Dự án Tổ hợp khách sạn, khu thương mại, căn hộ du lịch Dubai Tower ở phường Mỹ Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận ở xã Phước Diêm (Thuận Nam); Dự án Khu Resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại tại thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải)… Với sức hấp dẫn của du lịch Ninh Thuận, trong năm 2019, đã thu hút hơn 2,35 triệu lượt khách tới địa phương, tăng 7,3% so với năm 2018.

Cùng với việc tỉnh ưu tiên đầu tư các khu đô thị, khu dân cư mới, các dự án nghỉ dưỡng, nhóm ngành công nghiệp và cảng biển tại khu vực ven biển đã kích thích thị trường bất động sản sôi động hẳn lên, thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, tốc độ đô thị hóa nhanh. Bất động sản sau một thời gian yên ắng, đã trỗi lên mạnh mẽ, có đóng góp đáng kể vào thu ngân sách, phát triển KT-XH tỉnh. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng có bứt phá với việc triển khai, nhân rộng hiệu quả hàng loạt cánh đồng lớn, nhiều mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, giống mới, sản xuất trong nhà lưới có năng suất và chất lượng sản phẩm cao. Sản xuất nông nghiệp tạo ra sự khác biệt, 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh dần có sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đánh giá kinh tế-xã hội năm 2019, các chỉ tiêu của nhiều lĩnh vực đều tăng; đây cũng là năm thứ 2, tỉnh thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu kế hoạch năm. Đặc biệt, thu ngân sách đạt con số ấn tượng 4.050 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, qua hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước từng bước được hình thành và phát huy hiệu quả; các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và các dự án động lực thay thế được nhận diện, thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và bước đầu khai thác hiệu quả, đã góp phần biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển.