Triển vọng mô hình thâm canh cây mãng cầu ta theo hướng VietGAP ở Thuận Nam

Đặc thù là địa phương phụ thuộc vào lượng nước mưa tích trữ thông qua các ao hồ, Phước Minh gặp khá nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giống cây trồng thích hợp để thích ứng tốt với chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chịu hạn. Vừa qua, “Mô hình thâm canh cây mãng cầu ta theo hướng VietGAP” (mô hình) được triển khai và mang lại hiệu quả rõ nét, mở ra triển vọng mới cho các hộ dân trên địa bàn xã Phước Minh nói riêng và huyện Thuận Nam nói chung.

Những ngày cuối năm, ông Võ Hồng Tâm, thôn Quán Thẻ 2, xã Phước Minh đang dồn sức chăm sóc 0,5 ha mãng cầu ta để thu hoạch bán vụ tết. Nhìn những cây mãng cầu xanh tốt, cho trái đồng đều, ông kỳ vọng năm nay sẽ có một cái tết ấm áp hơn. Thành quả có được chính là từ việc ông tham gia vào mô hình do Trạm Khuyến nông huyện Thuận Nam triển khai. Ông Tâm cho biết: Vườn mãng cầu này đã hơn 4 năm tuổi nhưng trước đây vì quen với lối canh tác cũ, chủ yếu theo kinh nghiệm, ít chú trọng tuân thủ quy trình chăm sóc khoa học nên năng suất thấp, chất lượng kém. Từ khi tham gia vào mô hình, được cán bộ của trạm hướng dẫn kỹ thuật, cải tạo chăm sóc theo hướng khoa học nên cây trồng phát triển rất tốt, cho ra trái nhiều hơn. Qua mô hình, nhận thấy cần phải thay đổi nhận thức trong chăm sóc cây trồng để thích ứng tốt hơn với sự thay đổi ngày càng khắc nghiệt của thời tiết.

Ông Võ Hồng Tâm trao đổi với cán bộ về kỹ thuật chăm sóc cây măng cầu ta.

Theo đó, mô hình được Trạm Khuyến nông huyện Thuận Nam triển khai từ cuối tháng 5-2019, quy mô 4 ha, với 8 hộ dân tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 70% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính trên cây mãng cầu; nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “4 đúng”; cách phòng trừ dịch hại bằng các loại thuốc sinh học, thảo mộc và bằng phương pháp IPM. Đồng thời, được hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn ở Việt Nam. Sau nửa năm triển khai, bước đầu mô hình đã mang lại kết quả khá rõ nét. Năng suất bình quân đạt 76 tạ/ha/vụ, cao hơn 18 tạ/ha/vụ so với năng suất đại trà. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, chất lượng tốt hơn nên giá bán của các hộ tham gia mô hình cũng cao hơn bên ngoài 1.000 đồng/kg, đạt mức 25.000 đồng/kg. Theo tính toán, áp dụng mô hình này vào trồng trọt, bình quân mỗi năm, 1 ha mãng cầu thu về 380 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi khoảng gần 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 37,8% so với các hộ ngoài mô hình.

Ông Khưu Lê Khắc Trí, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam cho biết: Mô hình tạo bước đột phá lớn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, nông sản đạt chất lượng an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Từ đó góp phần hình thành những vườn cây ăn quả chuyên canh sản xuất theo hướng VietGAP. Mô hình cũng mang lại những hiệu quả trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và cộng đồng, giúp cân bằng hệ sinh thái. Điều quan trọng nhất, từ mô hình này, nhận thức của nông dân về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt được trao đổi và nâng lên rõ rệt. Thành công của mô hình sẽ là tiền đề, tạo động lực để các hộ dân khác tiếp tục nhân rộng và cải tạo hơn 30 ha mãng cầu hiện có trên địa bàn huyện trong thời gian tới.