Doanh nghiệp Ninh Thuận ngày càng lớn mạnh

Xác định doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng đối với nền kinh tế, nhưng năm gần đây, tỉnh ta không chỉ đổi mới công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư theo hướng chiều sâu, mà còn linh hoạt trong triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN. Nhờ đó, số lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới.

Trong chuỗi thành tích đạt được, nổi lên là việc UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, thủ tục về thuế, hỗ trợ DN khởi nghiệp. Cụ thể, UBND tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đây là bộ phận một cửa trực tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của 15 sở, ngành, với tổng số 1.391/1.504 thủ tục hành chính được công bố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó nổi bật là lĩnh vực đăng ký DN 100% thủ tục đạt tiêu chuẩn mức độ 4, vượt 70% mục tiêu Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng năm 2019 đạt 51,4%, giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí đi lại cho người dân, DN.

Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn) sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: V.M

Đi cùng với đó, trong năm 2019, UBND tỉnh đã tổ chức 11 hội nghị chuyên đề, đối thoại thu hút trên 350 lượt DN, nhà đầu tư tham gia, tập trung các vấn đề được nhiều DN quan tâm trên các lĩnh vực như: Điện gió, điện mặt trời; đất đai, khoáng sản; xây dựng, du lịch; nông nghiệp, thủy sản và các vấn đề liên quan về thuế, về lao động, việc làm... Ngay sau các hội nghị, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện; đến nay, có 236/236 nhóm vấn đề kiến nghị cơ bản đã được giải quyết, trong đó có 19 nhóm kiến nghị trực tiếp; 217/217 kiến nghị qua chuyên mục hỏi đáp trực tuyến đã được các sở, ngành, địa phương trả lời hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định. Bên cạnh đó, UBND còn chỉ đạo các sở, ngành chủ động cung cấp nhiều thông tin quy định mới liên quan đến các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hơn 1.300 DN và nhà đầu tư thông qua địa chỉ email; giải quyết kịp thời thủ tục hoàn thuế cho 71 lượt DN, với tổng số tiền trên 2.342 tỷ đồng; bố trí nhiều nguồn vốn thanh toán nợ các công trình hoàn thành với tổng vốn 106.465 triệu đồng; chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng với Doanh nghiệp, giúp 1.216 DN đang vay vốn ngân hàng, với tổng dư nợ 8.615 tỷ đồng, tăng 19,4% số dư nợ so năm 2018. Ngoài ra, Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa bảo lãnh cho 7 DN vay vốn với số tiền trên 17 tỷ đồng.

Công tác hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm thực hiện tốt hơn. Để hỗ trợ DN khởi nghiệp, gia nhập thị trường, trong năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Công ty CP Misa tiếp tục hỗ trợ tặng miễn phí Phần mềm kế toán cho 139 DN khởi nghiệp, nâng tổng số đến nay có 460 DN được tặng phần mềm, với tổng giá trị 1.357 triệu đồng. Phối hợp các cơ quan Trung ương tổ chức 7 lớp tập huấn cho trên 280 lượt cán bộ quản lý DN tham gia các chuyên đề như: về nghiệp vụ đấu thầu; về Marketing điện tử, về thương mại điện tử; về hội nhập kinh tế quốc tế, về kỹ năng bán hàng và các quy định của pháp luật về thuế, lao động...

Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách nói trên, năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp tỉnh ta có số DN thành lập mới tăng cao, tăng 24,8% so cùng kỳ; nâng tổng số DN đang hoạt động đến cuối năm 2019 lên 3.183 DN, với tổng vốn đăng ký 52.243 tỷ đồng. Trong đó, một số lĩnh vực tỷ lệ DN gia nhập thị trường tăng cao, như: Sản xuất điện tăng 77,7%; xây dựng, kinh doanh bất động sản tăng 42,7%; sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng 30,7%; bán buôn, bán lẻ tăng 15,2%... Đặc biệt, số người dân của tỉnh/1 DN được rút ngắn nhanh hơn, nếu ở thời điểm năm 2015 có 280 người dân/1 DN, đến nay còn 186 người dân/1 DN (cả nước 134 người dân/DN). Nhìn chung, sau khi đăng ký thành lập, hầu hết các DN đều hoạt động ổn định và chấp hành tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp. Hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 28.300 lao động, chiếm 35,8% lực lượng lao động trong các cơ sở kinh tế, đồng thời đóng góp khoảng 77% tổng thu ngân sách nội địa, trên 47% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và hơn 20% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) cho địa phương.

 

Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận hoạt động ổn định và xuất khẩu sản phẩm tôm. Ảnh: Văn Nỷ

Sự trưởng thành và từng bước lớn mạnh của cộng đồng DN trong tỉnh đã kéo theo sự thành công mang tính toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, trong hai năm 2018 và 2019, tỉnh ta liên tục hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, năm 2019 quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,8 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 50,4 triệu đồng, tăng gấp 1,82 lần so với 2015. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, từng bước phát triển theo hướng công nghiệp và dịch vụ; tỷ trọng ngành Nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 38,7% năm 2015 xuống còn 33% năm 2019; tương ứng ngành Công nghiệp, xây dựng tăng từ 22,4% lên 27% và các ngành dịch vụ tăng từ 38,9% lên 40% trên tổng GRDP của tỉnh. Đặc biệt, thu ngân sách năm 2018 đạt gần 3.000 tỷ đồng, đến năm 2019 đã vượt qua ngưỡng 4.050 tỷ đồng, giúp Ninh Thuận về đích trước 3 năm so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Đón đầu xu thế đầu tư mới, trong năm 2020, tỉnh ta phấn đấu nâng tổng số DN trên địa bàn lên khoảng 4.000 DN. Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc các kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN. Trọng tâm là triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển DN theo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa và Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo đột phá trong khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong DN, phát triển mạnh mẽ DN khu vực tư nhân cả về chất và lượng. Thực hiện có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, nhằm giảm đầu mối thực hiện, giảm thủ tục giải quyết, giảm thời gian chờ đợi của DN và nhà đầu tư; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong năm 2020 thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4 theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và trả lời kiến nghị của DN thông qua Chuyên mục hỏi - đáp trực tuyến.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với DN, nâng cao chất lượng gặp mặt đối thoại DN theo chuyên đề định kỳ hàng tháng; chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, về hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho DN tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đóng góp lớn cho tăng trưởng, giải quyết nhiều việc làm, xuất khẩu, nông nghiệp công nghệ cao...

Đối với cộng đồng DN, tỉnh khuyến khích cần xác định đúng vị trí, vai trò, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai phù hợp với điều kiện của DN mình. Chấp hành tốt quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường và đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động... Ngoài ra, các DN cần có sự liên minh, liên kết và phải xác định được chữ “tín” để xây dựng thương hiệu riêng cho mình, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, sát với nhu cầu của DN, của tỉnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động của DN, đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.