Thuận Nam khai thác tiềm năng kinh tế biển

Với chiều dài bờ biển trên 37 km, ngư trường rộng lớn, hệ thống cảng cá sẵn có, Thuận Nam được đánh giá là địa phương có lợi thế phát triển tiềm năng kinh tế biển.

Cùng với việc đánh bắt hải sản, các nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch biển đã mang lại nguồn kinh tế đồi dào, đời sống ổn định cho người dân 3 xã ven biển là Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná.

Nếu như cuối năm 2009 số tàu thuyền toàn huyện là 933 chiếc, với tổng công suất 88.482 CV thì nay đã tăng lên 1.010 chiếc, tổng công suất 115.110 CV, bình quân gần 114 CV/chiếc; sản lượng khai thác hải sản trong năm 2010 đạt 32.000 tấn. Ông Phan Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết: “Có được kết quả này một phần là nhờ thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn giúp ngư dân có thêm điều kiện cải hoán, tu sữa, nâng công suất tàu thuyền vươn ra đánh bắt xa bờ.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại xã Phước Dinh.

Ngoài ra, việc thành lập 4 tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ ở hai xã Phước Diêm và Cà Ná cũng giúp ngư dân hỗ trợ nhau tìm kiếm ngư trường, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí cho chuyến đi biển dài ngày, nâng cao sản lượng khai thác. Trong 2 tháng đầu năm 2011, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng sản lượng đánh bắt toàn huyện đã đạt 6.000 tấn”. Sản lượng hải sản khai thác dồi dào còn tạo thuận lợi phát triển nghề hấp cá cơm và chế biến nước mắm. Chưa tính đến các hộ dân, cơ sở nhỏ lẻ, toàn huyện hiện có 83 cơ sở chế biến nước mắm và 76 cơ sở hấp cá cơm đăng ký thương hiệu sản phẩm chất lượng cao. Hiện địa phương đang tiến hành thực hiện đề án xây dựng thương hiệu sản phẩm và làng nghề chế biến nước mắm tại thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná và thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm; nghề hấp cá cơm ở thôn Lạc Tân 3, xã Phước Diêm. Đây chính là việc làm cần thiết thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống, đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Cùng với nghề đánh bắt hải sản, Thuận Nam còn có diện tích nuôi tôm thịt rộng lớn với hơn 400 ha, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2010, sản lượng tôm toàn huyện đạt 5.035 tấn. Ngoài ra, còn có 47 trại tôm giống sản xuất 1.174 triệu con tôm post; 88 ha rong sụn, sản lượng đạt 1.105 tấn. Về các làng biển xã Phước Dinh trong những ngày này, chúng tôi chứng kiến hàng chục xe đông lạnh nhộn nhịp ra vào thu mua tôm. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã mang lại cho người dân vùng biển lợi ích kinh tế dồi dào. Sau một thời gian nghề nuôi tôm trầm lắng do bị dịch bệnh, giá cả thấp thì thời gian gần đây, giá tôm tăng cao, những đìa tôm bỏ hoang đã nhộn nhịp trở lại. Với giá tôm trung bình 9.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi ha tôm bà con lãi ròng hàng trăm triệu đồng. Hai đồng muối công nghiệp Cà Ná và Hạ Long với tổng diện tích trên 3.500 ha, sản lượng trung bình 80.000 tấn/năm đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển ngành công nghiệp và giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Nam lần thứ I (nhiệm kỳ 2010-2015) xác định: Những năm đầu nhiệm kỳ, khai thác thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển của địa phương. Mục tiêu đến năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản toàn huyện đạt 47.000 tấn, sản xuất 1.700 triệu con tôm post, ổn định diện tích tôm thịt 465 ha, với sản lượng 4.630 tấn; 370 ha rong sụn, sản lượng 4.000 tấn. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Thuận Nam đã đề ra các giải pháp quan trọng, trong đó tập trung tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có của ngành thủy sản; ứng dụng khoa học- công nghệ mới trong khai thác và nuôi trồng thủy sản; thu hút, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, phát triển hậu cần nghề cá; nhân rộng mô hình tổ đoàn kết nuôi trồng thủy sản và đánh bắt hải sản xa bờ; khuyến khích ngư dân chuyển đổi phương thức đánh bắt theo hướng kiêm nghề, phù hợp mùa vụ, ngư trường và thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất khai thác hải sản ở địa phương. Với bờ biển đẹp, một bên lại là đồi núi, Thuận Nam còn có lợi thế khai thác tiềm năng du lịch biển. Đặc biệt, khi tuyến đường ven biển Phú Thọ- Mũi Dinh được hoàn thành sẽ là lợi thế lớn xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm…để trong tương lai, Thuận Nam còn là điểm dừng chân lý tưởng đối với du khách trong nước và quốc tế.