Những ngày đầu tháng 12, có dịp đến nhiều địa phương ven biển có thế mạnh NTTS, chúng tôi ghi nhận đang có sự thay đổi nhanh qua việc đầu tư chiều sâu, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng của các hộ nuôi tôm thịt và đầu tư nâng cấp cơ sở sản xuất, sử dụng công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp chuyên về giống TS. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2019 toàn tỉnh thả nuôi diện tích tôm thịt 836 ha (trong đó có 26 ha tôm sú và 810 ha tôm thẻ chân trắng). Tuy diện tích thả nuôi giảm nhưng trong giai đoạn từ giữa tháng 9 đến nay, tôm nuôi thương phẩm bắt đầu thu hoạch, giá bán tăng nên nhiều hộ nuôi có lãi. Đáng lưu ý trong nuôi tôm là Chi cục Thủy sản tỉnh đã triển khai hỗ trợ, đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP cho hộ anh Nguyễn Văn Vinh, thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (Thuận Nam) nuôi tôm thương phẩm thâm canh công nghệ cao với diện tích 5 ha. “Áp dụng mô hình này, tôi thấy rất hiệu quả bởi có thể chủ động mọi thứ trong quá trình nuôi” - anh Vinh chia sẻ.
Nuôi cá bớp lồng bè xen kẽ tôm hùm tại vùng biển khu vực C1, C2 (Ninh Hải). Ảnh: B.T
Về sản xuất giống TS, tôm giống đạt sản lượng khoảng 33,9 tỷ postlarvae (trong đó có 27,7 tỷ con tôm thẻ chân trắng và 6,2 tỷ con tôm sú), đạt 102,7 % kế hoạch và tăng 9,6 % so với cùng kỳ. Theo ông Dư Ngọc Tuân, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, không chỉ vượt kế hoạch mà nạn giả nhãn mác cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống cũng không còn nữa. Ngoài tôm giống còn có 38 cơ sở hoạt động sản xuất giống ốc hương với sản lượng khoảng 320 triệu con. Điểm nổi bật của sản xuất tôm giống là qua triển khai dự án Nhãn hiệu chứng nhận tôm giống Ninh Thuận, Chi cục đã giới thiệu và hướng dẫn cơ sở sản xuất tôm giống của Công ty Cổ phần Đầu tư S6 tham gia thử nghiệm việc xây dựng nhật ký điện tử và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hướng dẫn một số hộ nuôi có điều kiện áp dụng tiêu chuẩn GAqP (thực hành sản xuất tốt TS) vào hoạt động nuôi tôm thương phẩm; đồng thời hướng dẫn chung người nuôi ghi chép nhật ký ao nuôi, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Không chỉ nuôi tôm thịt và sản xuất giống, hoạt động NTTS năm qua còn xuất hiện nhiều mô hình nuôi hiệu quả. Trước hết là mô hình nuôi sinh thái đầm Nại (Ninh Hải) với đối tượng nuôi (tôm sú, cua, cá dìa) được thực hiện ở ao đìa với quy mô 2 ha của ông Nguyễn Bảo Huynh, thôn Hòn Thiên, xã Tân Hải (Ninh Hải). Cũng trong vùng đầm Nại, mô hình trồng rừng ngập mặn, cụ thể là cây đâng (vốn là cây bản địa mọc phổ biến ở đây) được người nuôi thực hiện trồng theo luống và quanh vành đai nuôi từ tháng 3-2019. Theo anh Vũ Hoài Chung, Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ (Chi cục Thủy sản tỉnh), song song trồng rừng, từ tháng 3 đến tháng 11-2019, các ao đìa này còn thực hiện mô hình nuôi TS kết hợp (theo hình thức quảng canh cải tiến) với đối tượng chủ lực là tôm sú và cua xanh, kết hợp cá dìa. Một mô hình nữa cũng đang phát triển là nuôi hàu Thái Bình Dương bằng hai hình thức: nuôi cắm cọc và nuôi lồng bè. Chỉ riêng tại đầm Nại hiện có khoảng 91 hộ/314 bè đang nuôi hàu bằng lồng bè, bước đầu nhận thấy hàu nuôi phát triển tốt, chi phí đầu tư thấp, cho năng suất trung bình cao, đem lại thu nhập kinh tế đáng kể cho người dân.
Cán bộ Trung tâm Giống hải sản cấp I nuôi Hàu giống Thái Bình Dương. Ảnh: Văn Nỷ
Giáp đầm Nại, tại các xã Tri Hải, Hộ Hải (Ninh Hải)đang phổ biến nghề nuôi cá nước mặn, lợ, đối tượng nuôi truyền thống là cá mú, chủ yếu tận dụng từ một số diện tích nuôi tôm không hiệu quả. Với diện tích thả nuôi 17 ha, sản lượng thu hoạch trong năm 35 tấn, nhờ vốn đầu tư ít, giá bán lại cao, được thị trường ưu chuộng nên phần lớn người nuôi cá mú đều có lãi. Theo anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giống hải sản cấp I, đa dạng đối tượng nuôi là xu thế tất yếu, nếu ao đìa nào nuôi tôm không đạt thì nên chuyển sang nuôi cá biển (nước mặn, lợ). Ngoài một số loài cá mú mới đang phát triển mạnh ở đầm Nại, việc nuôi cá bớp và cá chim vây vàng bằng lồng nhựa HDPE, nuôi cá hồng Mỹ, cá bè vàng...trong ao đang mang lại hiệu quả cao. Ở thôn Tân An (xã Tri Hải), một số xã ven đầm Nại và Phước Dinh (Thuận Nam) có nghề nuôi ốc hương, riêng Phước Dinh đang thực nghiệm mô hình nuôi ốc hương trong hồ có mái che bước đầu đem lại hiệu quả.
Từ những tín hiệu nói trên, tiếp tục cho bước phát triển mới trong năm 2020, Chi cục Thủy sản tỉnh đề ra nhiệm vụ triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất TS hiệu quả, thành công; phấn đấu đạt sản lượng TS thương phẩm 10.500 tấn và sản xuất giống TS đạt 35,3 tỷ con. Theo đó, Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh giống TS, vùng nuôi và định hình phát triển NTTS theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời đa dạng đối tượng nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro.
Bạch Thương