Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên: Hiến tặng thành quả sưu tầm nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể

Chúng tôi đến thăm Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên cùng vợ là Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Ích tại nhà riêng số 6/9 đường Trần Phú (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm). Ông vừa ra Thủ đô Hà Nội hiến tặng thành quả sưu tầm nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia…

Gặp lại Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên, ông phấn khởi chia sẻ niềm vui: “Bản thân tôi rất vui mừng khi được con cháu đưa ra Hà Nội dự lễ hiến tặng gần 300 hiện vật gồm băng đĩa ghi hình, ghi tiếng nói, phim ảnh trong suốt 30 năm điền dã thu thập tư liệu nghiên cứu văn hóa Raglai và văn hóa Chăm trên địa bàn hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là thành quả sưu tầm nghiên cứu của bản thân tôi trong suốt 30 năm qua. Trao đổi với Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên, chúng tôi được biết ông sinh năm Giáp Tuất (năm 1934) tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang (tỉnh Quảng Nam) (nay là TP. Đà Nẵng). Tuổi thơ ông được “tắm mình” trong các câu hò, điệu hát đối đáp, giao duyên, bài chòi của vùng đất Quảng Nam. Sau khi hoàn tất chương trình tiểu học tại quê nhà, ông vô Tam Kỳ tiếp tục theo học tại Trường Trung học Phan Chu Trinh. Ông được thầy giáo dạy Văn là Nhà văn Vũ Hạnh dìu dắt đi vào con đường hoạt động nghệ thuật, tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ quân dân vùng giải phóng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc được phân công về Đoàn văn nghệ Thanh niên xung phong phục vụ khôi phục đường tàu lửa từ Hà Nội đến biên giới Việt Trung. Khi việc khôi phục tuyến đường sắt hoàn thành, ông xin về làm diễn viên cho Đoàn Dân ca kịch Liên khu 5. Tại đây, ông lập gia đình với Nghệ sĩ Hữu Ích vào năm 1960. Sau khi sinh hai người con đầu mới 1-2 tuổi, vợ chồng ông gởi con cho nhà trẻ Bộ Văn hóa chăm nom, trở về miền Nam đem lời ca tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường Liên khu 5. Ông được giao nhiệm vụ Phó trưởng Đoàn chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Văn công Nhân dân giải phóng Trung Trung Bộ. Trong một lần xuống đồng bằng phục vụ nhân dân huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) vào cuối năm 1966, cả hai vợ chồng ông đều bị địch bắt đưa ra giam tại nhà tù Phú Quốc. Sau khi Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973, ông được trao trả tại bờ sông Thạch Hãn, trở về Thủ đô Hà Nội tiếp tục công tác tại Đoàn Dân ca kịch Liên khu 5.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông đảm nhận nhiệm vụ chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Dân ca kịch tỉnh Thuận Hải (Bình Thuận và Ninh Thuận ngày nay). Bộ Văn hóa cử ông sang Bulgaria học chuyên ngành Sân khấu và chỉ đạo nghệ thuật tại Trường Nghệ thuật sân khấu Sophia, từ 1978- 1980. Sau khi tốt nghiệp về nước, ông tổ chức sáng tác, dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ cán bộ, nhân dân trong những năm đầu mới giải phóng, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế. Ông lặn lội đến vùng đồng bào thiểu số ở các huyện Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Bác Ái nghiên cứu văn hóa dân gian bản địa. Ông đưa các làn điệu dân ca Chăm, nhạc điệu mã la Raglai vào các vỡ diễn của Đoàn Dân ca kịch Thuận Hải được công chúng yêu thích. Trong đó có vở “Mơ Hoa- Trà Mứ” được ông viết kịch bản, dàn dựng công phu tạo nền tảng cho việc xây dựng và phát triển một kịch chủng mới của đồng bào dân tộc Chăm. Vở diễn “Ma Hoa- Trà Mứ” dựa theo trường ca Chăm- Bà ni nói lên khát vọng tình yêu của đôi trai gái Chăm- Bà ni, đoạt nhiều giải thưởng xuất sắc trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Tỉnh Ninh Thuận tái lập vào tháng 4-1992, ông Nguyễn Hải Liên đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin. Ông dành nhiều thời gian đến các làng vùng đồng bào Raglai và đến các play Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cùng ăn cùng ở với bà con để nghiên cứu văn hóa dân gian. Giọng nói đậm âm hưởng xứ Quảng chân chất, dáng cao gầy của ông đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thiết của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Nam Trung Bộ. Các Away, Ama, Caumay thương quý coi ông như người con, người anh thân thuộc của bản làng. Ngoài hai ngôn ngữ có thể giao tiếp phổ thông là tiếng Pháp và tiếng Bulgari, ông còn tự học tiếng Raglai, tiếng Chăm để thuận lợi trong việc thăm hỏi tiếp xúc bà con. Ông đã vận động tài trợ xây dựng Đội mã la nữ tộc họ Pinăng ở xã Phước Thắng (Bác Ái); truyền dạy biểu diễn mã la cho học sinh Trường Dân tộc nội trú THCS Pinăng Tắc (Bác Ái); phục dựng lễ hội ăn đầu lúa mới xã Phước Hà (Thuận Nam); phục dựng tín ngưỡng tâm linh Khoản đãi thần linh, Sang sông đi vào đất thánh của đồng bào Chăm…Trọn một đời người gắn bó với vùng đất hai tỉnh Ninh Thuận- Bình Thuận, ông đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản 15 tác phẩm văn hóa dân gian. Trong đó Cụm tác phẩm xuất sắc: Trang phục cổ truyền Raglai; Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận; Nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai Cực Nam Trung Bộ của Nhà nghiên cứu văn hóa Hải Liên được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2017, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Tôi đã hoàn thành tâm nguyện hiến tặng thành quả sưu tầm nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia. Buổi lễ vinh dự đón tiếp Thủ tướng Chính phủ đến dự và ghi nhận sự đóng góp của bản thân tôi đối với văn hóa đất nước. Nay tuổi đã cao, sức đã mòn hàng ngày phải chống chọi với bệnh tật, tôi đã nỗ lực hoàn thành đề tài nghiên cứu Phương thức truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Raglai hữu hiệu và bền vững nhất. Đề tài này đã gởi ra Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, xem đây là “giọt mật” cuối đời tâm huyết của tôi gởi tặng đồng bào Raglai hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận thương yêu”, Nhà nghiên cứu văn hóa Hải Liên chia sẻ.