UBND tỉnh họp nghe báo cáo Đề án chuyển đổi mặt bằng các dự án điện hạt nhân

Ngày 17-12, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo thông qua Đề án chuyển đổi mặt bằng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Tham dự có đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, đến nay tỉnh ta đã lập Đề án chuyển đổi mặt bằng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, bao gồm các phương án, kế hoạch đảm bảo ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án. Phạm vi lập Đề án đối với vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân 1, nằm tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (Thuận Nam) khoảng 384,79 ha; phạm vị lập Đề án đối với vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân 2, nằm tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) khoảng 502,89 ha.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.

Theo đó, vùng quy hoạch để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân 1 trước đây sẽ được chuyển đổi để phát triển các nhóm ngành trụ cột có lợi thế của tỉnh như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); phát triển du lịch thể thao đẳng cấp (sân gofl) thể thao trải nghiệm theo địa hình đặc thù, chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản sang phát triển du lịch phù hợp với định hướng phát triển vùng tỉnh Ninh Thuận. Vùng quy hoạch để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân 2 trước đây sẽ chuyển thành các vùng sản xuất chuyên canh một số cây trồng thế mạnh của địa phương như: hành, táo, tỏi, phát triển mô hình trang trại tập trung gắn với chế biến rượu vang và các sản phẩm truyền thống; đồng thời, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, du lịch đẳng cấp cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái rừng – biển khai thác cảnh quan thiên nhiên đặc thù của địa phương.

Sau khi nghe lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch Kiểm định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng) và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trình bày các phương án chuyển đổi, giải pháp thực hiện Đề án, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu chỉ đạo trong đó nhấn mạnh: Ba mục tiêu chính mà Đề án chuyển đổi mặt bằng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cần đảm bảo hướng tới. Trước hết, đối với nhân dân trong khu vực dự án phải được ổn định và từng bước nâng cao đời sống; mục đích sử dụng đất sau chuyển đổi cần tính toán khoa học và phải đảm bảo hiệu quả, thích ứng với cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư vào sản xuất, khai thác dịch vụ có thời hạn để nhanh chóng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Thứ hai, việc phát triển kinh tế triển khai bằng cách vừa huy động nguồn lực địa phương vừa kết hợp kêu gọi đầu tư khai thác hiệu quả quỹ đất trên cơ sở đề xuất các loại hình sản xuất, dịch vụ, kinh doanh khai thác tiềm năng, thế mạnh cụ thể của từng khu vực; đồng thời, đề xuất và phân định kế hoạch, thứ tự ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng mới, nâng cấp, hoàn thiện cũng như các nhu cầu về xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng. Thứ ba, việc quy hoạch và xác lập khu vực, chức năng khai thác sử dụng đất phải đảm bảo khi có chủ trương thay đổi vẫn tổ chức triển khai thực hiện được mà không lãng phí tài nguyên đất và tài sản trên đất. Để thực hiện tốt các vấn đề trên, tạo sự đồng thuận của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Quy hoạch Kiểm định chất lượng xây dựng cần tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương, khẩn trương phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Đề án để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua giúp người dân các vùng dự án sớm được hưởng lợi theo tinh thần Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ.