Hội Nông dân tỉnh tiếp sức cho các nông hộ thực hiện mô hình sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu

Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh thể hiện vai trò, trách nhiệm trong phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân tham gia, triển khai một số mô hình, dự án, góp phần quan trọng vào thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhìn lại hoạt động của HND các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cho thấy, điểm sáng nổi lên là làm tốt nhiệm vụ trọng tâm về tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Hội tuân thủ phương châm tuyên truyền đi đôi với hỗ trợ triển khai các mô hình mới, nên đã khuyến khích, động viên được nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình khô hạn, biến đổi khí hậu. Với cách làm linh hoạt của HND, đã tạo hiệu ứng tích cực, đến nay hầu hết các địa phương đều nhân rộng mô hình ứng dụng đa dạng công nghệ tưới tiết kiệm trên tất cả các loại cây trồng; tiến hành xây dựng mô hình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt.

Nhờ có sự hỗ trợ của Hội Nông dân, bà con xã Phước Hải (Ninh Phước)
đầu tư trồng măng tây xanh cho thu nhập cao.

Theo báo cáo của HND tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Hội đã chủ động phối hợp, ký kết và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 20 chương trình, dự án. Nổi bật là phối hợp với Văn phòng Phát triển bền vững của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai dự án nhân rộng mô hình sản xuất nho an toàn, giống NH01-152 với diện tích 2,4 ha; 12 hộ ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải tham gia mô hình được hỗ trợ mua giống nho NH01 có năng suất và chất lượng cao về trồng, tạo được sự khác biệt, thu hút nhiều du khách đến vườn nho tham quan, mang lại nguồn thu lớn cho các hộ làm vườn. Cân phân mà nói, ngành Nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu như hiện nay đều có dấn ấn đóng góp của HND. Chỉ riêng vấn đề khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ở những vùng khô hạn đã thấy vai trò của HND rất quan trọng. Còn nhớ, đợt hạn hán năm 2016, HND tỉnh phối hợp với iDE Việt Nam triển khai thử nghiệm mô hình tưới tiết kiệm nước, đến nay nhân rộng được hơn 578 ha với 2.355 hộ ở 40 xã, phường trên toàn tỉnh tham gia, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Bài toán” về nước tưới phục vụ sản xuất được giải đáp đã biến những vùng đất khô hạn trở thành lợi thế trồng nho, măng tây xanh, táo, hành, tỏi.

Nông dân xã Phước Nhơn (Ninh Hải) trồng hành đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Phải nhìn nhận rằng, nhờ HND các cấp thực hiện tốt phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nên ngày càng xuất hiện nhiều gương sáng đi đầu trong ứng dụng khao học- kỹ thuật vào sản xuất. Giai đoạn 2016 -2019, có 6 nông dân ở tỉnh ta được vinh danh nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc, 1 nông dân tiêu biểu xuất sắc thời kỳ 30 năm đổi mới. Nông dân thời hội nhập theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp công nghệ cao, luôn có khát vọng mở rộng sản xuất, với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm. Anh Đào Mạnh Tiệp, ở thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) đã chuyển 3 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng nho xanh NH 01-48, áp dụng quy trình sạch, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/sào/năm. Việc anh Tiệp trồng nho thành công trên vùng đất thiếu nước đã khuyến khích nhiều hộ trong vùng làm theo, phong trào thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cây trồng cạn từ đó lan tỏa rộng khắp. Không dừng lại đó, một số nông dân ở huyện Ninh Phước sáng kiến dùng lưới phủ vườn táo, mô hình giúp phòng sâu bệnh, nâng cao sản lượng và chất lượng trái cây. Nông dân hiện nay biết khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất nắng gió để phát triển sản xuất, tạo sự khác biệt. Bằng nỗ lực vượt khó vươn lên, anh Đạo Thanh Thích ở thôn Phước Nhơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) là điển hình tiên tiến trong chăn nuôi cừu, vinh dự được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”.

Đồng chí Kiều Như Bổn, Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhất là vận động những nông dân sản xuất giỏi, các chủ trang trại tích cực tham gia nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Triển khai thực hiện các chương trình phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư canh tác các loại cây trồng đặc thù, có giá trị kinh tế cao, quy mô hàng hóa; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ huật vào sản xuất. Tăng cường các hoạt động dịch vụ hỗ trợ như quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp; hỗ trợ nông dân “đầu vào” và “đầu ra” trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng, hợp tác.

Với việc HND tỉnh chú trọng hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, tin tưởng nông dân Ninh Thuận sẽ thay đổi cách nghĩ, cách làm, vững bước đi lên trong thời kỳ hội nhập. Bức tranh “nông nghiệp 4.0” về một quy trình sản xuất khép kín vì thế có thêm nhiều gam màu sáng.