Ninh Phước: Vùng đồng bào Chăm phát triển bền vững

Ninh Phước là địa phương có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất ở tỉnh ta. Trong những năm qua, cùng với các chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và tinh thần thi đua lao động sản xuất của nông dân đã đưa đời sống của đồng bào Chăm ngày càng phát triển, tích cực góp phần xây dựng diện mạo nông thôn mới (NTM) ngày càng khởi sắc.

Cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020 gắn với Chỉ thị số 06/2004/CT–TTg, ngày 18-2-2004 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới.

Đến với các xã vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước vào những ngày cuối năm 2019, chúng tôi ghi nhận bộ mặt NTM ở các địa phương ngày càng khởi sắc. Nhịp sống vùng nông thôn no ấm, thanh bình, đồng ruộng nhộn nhịp không khí thu hoạch lúa mùa, hoa màu chất lượng cao cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Các công trình văn hóa, giáo dục do Chính phủ và các doanh nghiệp Ấn Độ tài trợ đang được đẩy nhanh tiến độ thi công như nhà sinh hoạt cộng đồng khu phố Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân), thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu), Trường TH Phước Đồng 2 (xã Phước Hậu). Huyện Ninh Phước hiện có 10.940 hộ đồng bào Chăm, với 53.328 nhân khẩu sinh sống tập trung ở 22 thôn, khu phố thuộc 7 xã, thị trấn; chiếm trên 60% dân số đồng bào Chăm toàn tỉnh. Đời sống đồng bào Chăm dựa vào nguồn thu nhập từ trồng lúa và các loại cây trồng chủ lực cho thu nhập cao như nho táo, măng tây xanh, kết hợp chăn nuôi gia súc. Cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân vùng bào Chăm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng hiệu quả nhiều mô hình mới vào sản xuất, tạo động lực đưa sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển vượt bậc. Nhờ đó thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác tăng từ 142 triệu đồng/ha (năm 2015) lên trên 193,5 triệu đồng/ha vào cuối năm 2019, tích cực đóng góp chung tay cùng chính quyền xây dựng xã đạt chuẩn NTM.

Đồng bào Chăm xã An Hải (Ninh Phước) trồng măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao.

Các xã vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa đạt năng suất trên 7 tấn/ha/vụ, tăng thêm lợi nhuận 3,7 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất lúa giống tại các xã Phước Hậu, Phước Thái với diện tích 190 ha, tăng thêm lợi nhuận 5,8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm. Sản xuất gạo sạch tại thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu) với diện tích 40 ha, lợi nhuận tăng thêm 7,2 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Đồng bào Chăm xã An Hải trồng mới 50 ha măng tây xanh được cấp chứng nhận VietGAP cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Trong đó có mô hình cánh đồng lớn được thực hiện thí điểm tại vùng đồng bào Chăm xã Phước Hậu từ 56 ha lúa vụ hè-thu năm 2017 đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến cuối năm 2019, toàn huyện nhân rộng mô hình này với 15 cánh đồng lớn, diện tích 2.348 ha, bao gồm 12 cánh đồng lúa với diện tích 2.213ha; 2 cánh đồng măng tây xanh, với diện tích 55 ha và 1 cánh đồng bắp với diện tích 80 ha…

Tính đến cuối năm 2018, huyện Ninh Phước 4/6 xã vùng đồng bào Chăm đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM, gồm Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hữu. Đến cuối năm 2019, huyện Ninh Phước thẩm định đề nghị cấp trên công nhận thêm hai xã là An Hải và Phước Hải đạt chuẩn NTM. Cấp ủy và chính quyền từ huyện đến cơ sở huy động các nguồn lực xã hội đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo bộ mặt NTM ngày càng khởi sắc, tích cực góp phần nâng cao toàn diện đời sống vùng đồng bào Chăm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của huyện Ninh Phước đạt 41 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào Chăm hiện còn 3,39% thấp hơn 0,3% so với tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện.

Gặp lại Cả sư Đổng Bạ ở xã Phước Hậu, ông phấn khởi chia sẻ niềm vui: “Đồng bào Chăm luôn nhận được sự quan tâm chăm lo chu đáo của Đảng, Nhà nước nên đời sống vật chất, tinh thần bà con ngày càng phát triển. Tất cả các xã vùng đồng bào Chăm có đường giao thông, trạm y tế, điện sinh hoạt, trường học khang trang. Nhiều gia đình xây được nhà ở khang trang và nuôi con ăn học trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, chủ doanh nghiệp. Bản thân tôi có một cháu nội vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành Văn hóa dân tộc thiểu số và hai cháu nội đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Bà con thực hiện tốt phong trào „Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời đóng góp công sức, tiền của, hiến đất chung tay cùng Nhà nước xây dựng NTM, đường làng ngõ xóm sạch đẹp và chương trình thắp sáng đường quê phục vụ tốt nhu cầu đời sống nhân dân. Với trách nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn và Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bước sang năm mới 2020, tôi vận động đồng bào Chăm đoàn kết thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá ở địa bàn dân cư, xây dựng đời sống thôn xóm vùng đồng bào Chăm ngày càng ấm no bền vững.

Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 gắn với thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT–TTg của Thủ tướng Chính phủ chăm lo nâng cao toàn diện đời sống đồng bào dân tộc Chăm sinh sống ở địa phương phát triển nhanh, bền vững. Huy động các nguồn lực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, nâng cao chất lượng tiêu chí xã NTM. Thực hiện kế hoạch xây dựng NTM nâng cao 19 tiêu chí tại hai xã vùng đồng bào Chăm là Phước Thái, Phước Thuận. Chú trọng đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ. Phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 45,9 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Chăm xuống dưới 3% vào cuối năm 2020.