Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XII

Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ Luật Tố tụng Dân sự

 Ngày 22-3, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Ða số đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo nên có sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, tuy nhiên việc tham gia ở mức nào, tham gia đến đâu là vấn đề cần làm rõ. Theo UBTVQH, kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, nhằm bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước...Tuy nhiên, do tính chất của phiên tòa, phiên họp có khác nhau nên không thể quy định trách nhiệm của kiểm sát viên khi tham gia tại mỗi giai đoạn như nhau. Do đó, dự thảo đã được chỉnh lý để vừa bảo đảm điều kiện để Viện kiểm sát thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong tố tụng dân sự, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự phù hợp với từng giai đoạn tố tụng.

 Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

UBTVQH cho rằng, thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự trong thời gian qua cho thấy, quy định về sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án; thu nhập của đa số người dân còn thấp, chưa thể mời Luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. Do vậy, cần quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền tham gia phiên tòa, phiên họp còn tham gia tất cả hay khi chỉ tham gia khi cần thiết sẽ phải căn cứ vào yêu cầu công việc, điều kiện thực tiễn của ngành kiểm sát và tính chất, đối tượng của vụ án dân sự. Việc xác định trường hợp nào là cần thiết thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC).

Các đại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Hà Công Long (Gia Lai) đều tán thành và cho rằng: Kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần bảo đảm pháp chế XHCN trong tố tụng dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước...

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề nghị giữ nguyên quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát như quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành. Đại biểu Lê Văn Cuông hoàn toàn tán thành ý kiến đã nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, theo đại biểu, có một số vụ án dân sự chất lượng không đảm bảo, nên người dân có nhiều đơn khiếu nại lên cấp trên, trong đó có Quốc hội. Vì vậy, chúng ta phải làm thế nào để người dân tránh bị án sai, đại biểu Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

Về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác (khoản 7, Điều 1, dự thảo Luật bổ sung Điều 32a), một số ý kiến đề nghị quy định Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức như nội dung Điều 12 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989. Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng, nếu không quy định để phiên tòa cấp sơ thẩm được hủy các quyết định trái pháp luật mà kiến nghị cơ quan ban hành quyết định trái pháp luật đó hủy bỏ thì rất khó vì có sửa hay không là quyền của họ.

 

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường

Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng: Từ khi Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 đến thời điểm ban hành Bộ Luật Tố tụng dân sự thì không có trường hợp nào Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức. Đại biểu Trần Thế Vượng cho rằng: Với việc tổ chức Tòa án gắn liền với cơ quan hành chính, cho nên 1 Thẩm phán ở Tòa án huyện không thể hủy quyết định của Chủ tịch huyện. Do đó, đại biểu đề nghị không đưa quy định này vào dự thảo Luật.

Về thẩm quyền của Viện Kiểm sát trong việc yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ (khoản 17 Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 85, Bộ Luật Tố tụng dân sự), một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ ở khoản 17, Điều 1 dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến khác lại đề nghị quy định thời hạn cụ thể về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức cho đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Việc bổ sung quy định về sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự xuất phát từ nguyên tắc Viện kiểm sát thực hành chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp mà kiểm sát hoạt động tư pháp là nhằm mục đích để bảo vệ pháp luật, để bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Mặt khác, số lượng luật sư chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác tố tụng và nhiều người dân cũng chưa có điều kiện về mặt tài chính mời luật sư tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa. Thực tiễn cho thấy thiếu vai trò của Viện kiểm sát sẽ không đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên; tuy nhiên cần có sự phân biệt về mức độ tham gia ở mỗi giai đoạn tố tụng.

Dự kiến dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào chiều ngày 29/3.

Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục làm việc trên Hội trường, nghe Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô và thảo luận về dự thảo Luật này./.

Theo Web Đảng CSVN